nguyendu.org.vn
Loading...

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Đã có những nghiên cứu mới với nhiều kết quả khả quan về thời đại Hùng Vương


Trong lịch sử Việt Nam, thời đại Hùng Vương có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đây là giai đoạn mở đầu cho lịch sử dựng nước của dân tộc ta.
 
Ban Tổ chức điều hành hội thảo Hội thảo khoa học quốc gia
“Thời đại Hùng Vương trong tiến trình lịch sử Việt Nam”. Ảnh TRẦN BÌNH
 
Ngày 24-9, tại Hà Nội đã diễn Hội thảo khoa học quốc gia “Thời đại Hùng Vương trong tiến trình lịch sử Việt Nam”. Hội thảo do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu và phát triển văn hóa Hùng Vương phối hợp tổ chức nhằm đánh giá những thành tựu nghiên cứu mới trong một nửa thế kỷ qua về thời đại dựng nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam, đồng thời rút kinh nghiệm và hướng tới các chương trình khoa học trong những thập kỷ tiếp theo của thế kỷ XXI.
 
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Phạm Văn Đức – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, trong lịch sử Việt Nam, thời đại Hùng Vương có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đây là giai đoạn mở đầu cho lịch sử dựng nước của dân tộc ta. Thời đại Hùng Vương đã được các sử gia ghi chép lại khá sớm trong các bộ chính sử, tuy nhiên tư liệu chủ yếu dựa trên thư tịch và truyền thuyết và đều coi đây là thời kỳ truyền thuyết.
 
Đến năm 1968, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, một chương trình khoa học liên ngành quốc gia nghiên cứu về thời đại Hùng Vương dựng nước ra đời. Các bài nghiên cứu đã trình bày trong hội nghị và được công bố trong 4 tập “Hùng Vương dựng nước”. Trong suốt 50 năm qua, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thường xuyên quan tâm đến vấn đề này, các nhà khoa học với nhiều chuyên ngành khác nhau vẫn tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, làm sáng tỏ hơn các vấn đề của thời đại Hùng Vương.
 
PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nêu rõ: 4 cuộc Hội nghị khoa học cấp quốc gia về Hùng Vương dựng nước được tổ chức vào các năm 1968, 1969, 1970 và 1971 tại Hà Nội, với cách tiếp cận đa bộ môn và phương pháp nghiên cứu liên ngành, cùng với quá trình khai quật nhiều di chỉ khảo cổ học thuộc các văn hóa Đồng Đậu, Gò Mun, Phùng Nguyên và đặc biệt thuộc Văn hóa Đông Sơn có nguồn gốc bản địa, các nhà khoa học đã đi đến kết luận: Văn hóa Đông Sơn chủ yếu tồn tại trên địa bàn Bắc bộ và Bắc Trung bộ, gắn với các lưu vực sông Hồng, sông Mã và sông Cả. Chính trên cơ sở văn hóa Đông Sơn, mà nhà nước đầu tiên của người Việt, nhà nước Văn Lang của các vua Hùng đã ra đời và phát triển.
 
Kết luận quan trọng nhất của chương trình nghiên cứu thời kỳ Hùng Vương là: Thời kỳ Hùng Vương là có thật trong lịch sử Việt Nam. Sau nhiều cuộc trao đổi, thảo luận với sự hỗ trợ của các phương pháp xác định niên đại C14, các nhà nghiên cứu đi đến kết luận: thời kỳ Hùng Vương có niên đại sớm nhất là thế kỷ VIII trước Công nguyên và muộn nhất là thế kỷ II trước Công nguyên. Với tầm quan trọng và những thành tựu đạt được của nhà nước Văn Lang trong thời kỳ này trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và tầm bao quát của nhà nước ấy trên lãnh thổ quốc gia Việt Nam thời kỳ dựng nước, đã có thể định danh một thời đại trong lịch sử Việt Nam: Thời đại Hùng Vương.
 
Hội thảo với sự tham gia của hơn 200 nhà khoa học. Ảnh T.B
 
PGS.TS Trần Đức Cường cũng cho biết, trong 50 năm qua, giới nghiên cứu trong nước với sự tham gia của một số nhà nghiên cứu nước ngoài đã có những nghiên cứu mới với nhiều kết quả khả quan về thời đại Hùng Vương trong lịch sử Việt Nam. Các nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực hoạt động đã đạt nhiều thành tựu mới, làm rõ nét hơn về thời đại Hùng Vương. Đặc biệt là qua các tư liệu khảo cổ học. Trong khoảng thời gian gần nửa thế kỷ (1971-2019), các nhà khảo cổ học đã có điều kiện để khai quật thêm nhiều di chỉ thuộc văn hóa Đông Sơn hoặc văn hóa Phùng Nguyên có mối quan hệ chặt chẽ với sự hình thành và phát triển của nhà nước Văn Lang thời đại Hùng Vương.
 
Từ các kết quả nghiên cứu qua cách tiếp cận khảo cổ học, các nhà khoa học đã kết luận: Vào thời đại Hùng Vương, sự ra đời và phát triển của nền nông nghiệp lúa nước dùng các công cụ như cày, bừa với trâu bò làm sức kéo có thể coi là một cuộc cách mạng trong nông nghiệp ở nước ta thời dựng nước. Bên cạnh việc trồng lúa và hoa màu, nghề chăn nuôi, nghề làm đồ gốm, luyện kim (đúc đồng, luyện sắt) có vai trò to lớn, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện được dấu vết của một số trung tâm đúc đồng và lò luyện quặng để lấy sắt... Kinh tế phát triển đã thúc đẩy sự chuyển biến theo hướng ngày càng tiến bộ trên lĩnh vực văn hóa, xã hội... Cư dân Đông Sơn, tức người dân thời đại Hùng Vương đã tạo lập được một cuộc sống ngày càng phong phú hơn về vật chất và tinh thần. Điều đó thể hiện qua việc lựa chọn địa bàn cư trú, xây dựng các công trình kiến trúc công cộng và nhà ở, cách làm đẹp, cách ăn uống, các vật dụng hàng ngày... Về mặt xã hội, cư dân thời Hùng Vương đã tạo nên những biến chuyển quan trọng trong quan hệ gia đình, hôn nhân và kết cấu xã hội. Các gia đình mẫu hệ dần chuyển sang gia đình phụ hệ. Chế độ tư hữu và sự phân hóa giàu nghèo sâu sắc hơn tạo nên các giai tầng khác nhau trong xã hội...
 
Tại hội thảo, hầu hết ý kiến của các nhà khoa học đều cho rằng: Thời đại Hùng Vương là thời đại mở đầu dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam hiện nay với một nền văn hóa vô cùng phong phú và rực rỡ. Văn hóa thời đại Hùng Vương tương đương với văn hóa Đông Sơn thuộc văn minh Sông Hồng, một bộ phận của văn hóa Hòa Bình, là sản phẩm tất yếu của điều kiện tồn tại và phát triển của dân tộc trong thời kỳ sơ khai của lịch sử nước ta; là khởi nguồn của văn hóa và sức mạnh của dân tộc ta.
 
Chính vì những giá trị ây, thời đại Hùng Vương, giỗ Tổ Hùng Vương luôn có vị trí quan trọng trong tâm thức mỗi con dân nước Việt. Theo đó, có câu ca dao: “Dù ai đi ngược về xuôi, Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba; Khắp miền truyền mãi câu ca, Nước non mãi nước non nhà ngàn năm”.
 
Bản đồ giả định vụ trí Kinh đô nhà nước Văn Lang
do GS.TS Trịnh Sinh (Viện Khảo cổ học) công bố tại hội thảo. Ảnh T.B
 
Từ lòng biết ơn của mỗi người dân nước Việt trong mọi thời kỳ lịch sử đối với các vua Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhớ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác - cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của nhân dân ta không chỉ được Đảng, Nhà nước và xã hội coi trọng, thể hiện qua việc lấy ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng Ba âm lịch hàng năm là ngày quốc lễ, mà còn được thế giới đánh giá cao. Vì vậy, ngày 6-12-2012, tổ chức văn hóa và giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO) chính thức ghi danh là “Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại vì những giá trị nổi bật mang tính toàn cầu”. Quyết định này góp phần khích lệ ý thức chung trong việc thúc đẩy tinh thần đại đoàn kết, tưởng nhớ, tôn kính tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Cùng với các giá trị phi vật thể như đã nêu, trong thời gian gần 50 năm qua, các ti tích văn hóa lịch sử thời đại Hùng Vương xuất hiện ở nhiều nơi, khắp Bắc - Trung - Nam. Tính đến nay (năm 2019), cả nước có tới 1417 di tích về thời đại Hùng Vương, hoặc liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng trải dài từ Bắc tới Nam.
 
Đây là một điều rất đáng quan tâm, đòi hỏi các cấp có thẩm quyền, các cơ quan và cá nhân có trách nhiệm cần chú ý thường xuyên công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của các di tích này. Cùng với những kết quả đã có, nhiệm vụ thời gian tới của các nhà khoa học là tiếp tục nghiên cứu để làm rõ hơn về thời đại Hùng Vương trong lịch sử dân tộc, làm rõ hơn nữa tình hình văn hóa – xã hội và các hoạt động kinh tế thời đại Hùng Vương, về tổ chức chính quyền thời kỳ này. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác bảo tồn các di chỉ khảo cổ học, các di tích lịch sử về thời đại Hùng Vương đang có chiều hướng xuống cấp khá nghiêm trọng.
 
 
Theo Trần Bình/SGGPO