Loading...
|
Cuộc gặp gỡ giữa Kinh Kim Cương và tư tưởng của Đại thi hào Nguyễn Du (Kỳ 1)Ngày 11 tháng 12 năm 2021
Trong dòng phát triển của Phật giáo và lịch sử dân tộc Việt, Kinh Kim Cương là một bản kinh có vị trí vô cùng quan trọng. Những nhân cách lớn trong lịch sử và văn hóa dân tộc đã tiếp nhận, suy niệm và sử dụng Kinh Kim Cương.
Kinh Kim Cương. Ảnh: Pháp luật Việt Nam
Nguyễn Du mang cốt cách của một vị thiền sư
Thời đại của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du đã sống là thời đại của những cuộc "thay đổi sơn hà" và những cảnh đời "bể dâu" chìm nổi. Không nằm ngoài những biến thiên của xã hội và giai đoạn lịch sử dân tộc mình, Nguyễn Du đã trải qua nhiều phen sóng gió.
Nhưng có lẽ, chính từ trong hoàn cảnh ấy, thấy được những trôi lăn và trầm luân của phận người, tác phẩm của ông luôn tràn đầy lòng thương cảm, thương cảm đến nỗi người đọc thấy như có "máu sa đầu ngọn bút". Nhưng ở tác phẩm của Nguyễn Du, những số phận trôi lăn trong "cuộc bể dâu" cuối cùng luôn tìm được một nơi để trở về và nương tựa.
Trong số những tác phẩm đại thi hào để lại, Truyện Kiều là một tác phẩm tiêu biểu và là tác phẩm vĩ đại. Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ cuối thế kỷ 19 đã gọi Truyện Kiều của Nguyễn Du là "một khúc Nam âm tuyệt xướng". Năm 1924, Tổng thư ký Hội Khai Trí Tiến Đức đồng thời là chủ bút báo Nam Phong, học giả Phạm Quỳnh (1892 - 1945) đã chia sẻ: "Truyện Kiều "vừa là kinh, vừa là truyện" (..) là "một thiên văn khế tuyệt bút", là quốc hoa, quốc túy, quốc hồn của nước ta, để ta có thể "ngạo nghễ với non sông mà tự phụ với người đời rằng: Truyện Kiều còn, tiếng ta còn".
Cho tới nay, hơn 250 sau ngày mất của đại thi hào dân tộc, hàng ngàn công trình nghiên cứu của các học giả trong và ngoài nước về Truyện Kiều đã được thực hiện. Mục đích những nghiên cứu ấy là bởi cái tình, cái sự mến mộ, "yêu quý" Truyện Kiều đã được tiếp nối qua nhiều thế hệ trong lòng dân tộc. Nghiên cứu còn là để "hiểu Nguyễn Du" và "Hiểu Truyện Kiều", cũng là để mở một cánh cửa khám phá những vẻ đẹp tiềm ẩn trong tâm hồn người Việt.
Tượng danh nhân văn hóa thế giới, đại thi hào Nguyễn Du.Ảnh: Pháp luật Việt Nam
Người ta thường nghiên cứu câu chữ, thủ pháp nghệ thuật và quan điểm của Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Nhưng điều chúng tôi cho rằng quan trọng nhất để "hiểu Nguyễn Du", chính là ở tư tưởng mà cụ đã giác ngộ. Là bởi vì khi chắp bút viết bất kỳ một điều gì, dù là một tác phẩm đau đáu tâm can và mang tầm vóc đồ sộ, hay chỉ một vài câu tùy bút, cảm thán, những lời lẽ được viết ra ấy cũng luôn chứa đựng cái thấy của tác giả. Nói cách khác, tư tưởng của chúng ta sẽ soi sáng cho mọi giây phút thực tại mà chúng ta đang sống. Tư tưởng ấy có mặt trong từng ý niệm.
Cố nhiên, với một đại thi hào dân tộc như Nguyễn Du, tư tưởng nó sẽ có mặt, sẽ thấm nhuần trong mạch nguồn từng tác phẩm nghệ thuật của ông. Tư tưởng là nền tảng định vị giá trị và sự bền vững của một tác phẩm nghệ thuật trong dòng chảy lịch sử cùng những biến thiên của đời sống xã hội. Nguyễn Du là một trong ba nhân cách lớn của dân tộc thấu ngộ nghĩa lý Kinh Kim Cương. Nguyễn Du đã lấy Kinh Kim Cương làm sự nghiệp và mang cốt cách của một vị thiền sư thực sự theo tính truyền thừa.
Kinh Kim Cương trong dòng chảy lịch sử
Để hiểu tư tưởng của Nguyễn Du, chúng ta sẽ tìm hiểu qua về Kinh Kim Cương. Đây là một bản kinh quan trọng của Phật giáo. Theo những ghi chép trong Thiền Uyển Tập Anh , Kinh Kim Cương xuất hiện ở nước ta vào khoảng những năm nửa đầu thế kỷ thứ 7 với thiền sư Thanh Biện, vâng lời thầy tổ của mình là thiền sư Pháp Đăng mà lấy việc trì Kinh Kim Cương làm sự nghiệp. Kinh Kim Cương như thế đã có mặt rất sớm, dường như cùng thời hoặc sớm hơn những dữ liệu ghi lại sự xuất hiện bản kinh này tại Trung Hoa .
Trong dòng phát triển của Phật giáo và lịch sử dân tộc Việt, Kinh Kim Cương là một bản kinh có vị trí vô cùng quan trọng. Những nhân cách lớn trong lịch sử và văn hóa dân tộc đã tiếp nhận, suy niệm và sử dụng Kinh Kim Cương. Việc giác ngộ Kinh Kim Cương và vận dụng giáo nghĩa của nó trong đời sống đã khiến cho Phật thế quan và sắc thái nền Phật giáo dân tộc có những bước ngoặt quan trọng.
Từ thiền sư Vạn Hạnh, người có công lớn trong việc tạo dựng tiền đề khai mở triều đại nhà Lý với vị vua nhân từ, anh minh Lý Công Uẩn lớn lên nơi cửa thiền, cho đến người mở ra triều đại lừng lẫy kế tiếp cho nhà Trần là vua Trần Thái Tông. Và như thế, tiếp đến sau này, chúng ta có thêm một đại thi hào thấu ngộ nghĩa lý Kim Cương là Nguyễn Du. Đây chính là ba nhân cách lớn của dân tộc đã giác ngộ Kinh Kim Cương với những góc tiếp cận khác nhau trong áo nghĩa của kinh tùy theo từng giai đoạn lịch sử và góc nhìn của từng thời kỳ.
Nếu như với thiền sư Vạn Hạnh, chúng ta có thể thấy được qua bài kệ thị tịch của ngài tinh thần của Kinh Kim Cương: Các pháp là vô thường (như mộng huyễn bọt bóng). Chính bởi các pháp vô thường nên con người phải sống với tinh thần vô chấp và quán chiếu vô tướng. Bài kệ thị tịch của thiền sư Vạn Hạnh chính là một tứ trong bài kệ ở phần cuối cùng của bản kinh này.
Phiên âm:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô
Dịch nghĩa:
Thân như bóng chớp có rồi không
Cây cỏ xuân tươi thu héo hon
Theo vận thịnh suy không hãi sợ
Thịnh suy đầu cỏ tựa phơi sương
Vạn Hạnh là vị thiền sư đã tạo ra thời cuộc với triều đại nhà Lý kéo dài 216 năm, từ vị vua anh minh Lý Công Uẩn. Có thể nói, thiền sư là một nhà chính trị đại tài. Ông đã có con mắt thấu trước thời cuộc và chăm dạy, đào tạo ra một đế vương lỗi lạc, nhân từ. Đại cuộc thành rồi , người vẫn chỉ mặc áo nâu sồng bởi đã thấu lý giác ngộ "thân như mộng huyễn.."
Cho đến Trần Thái Tông, như chính lời chia sẻ của nhà vua trong bài tựa Thiền Tông chỉ nam: "Trẫm thường đọc Kinh Kim Cương, đến câu "Ưng vô sở trụ, nhi sinh kỳ tâm", vừa gấp sách lại ngâm nga, bỗng nhiên tỉnh ngộ"
Trong bối cảnh xã hội và vị thế của mình lúc bấy giờ, vua Trần Thái Tông đã ngộ được triết lý Kinh Kim Cương ở một khía cạnh khác. Không nhất thiết phải dự hàng xuất gia với y áo pháp phục và giới luật. Phật giáo cần đi vào đời sống với những tận cùng của khổ đau gian khó.
Người bần hàn cần nâng đỡ; kẻ khốn cùng cần được chở che; quốc gia xã tắc cần yên ổn, thịnh vượng. Phật giáo vì vậy đề cao nhu yếu vô trụ, vô chấp để đi vào đời sống và giải quyết trực tiếp những vấn đề mà đời sống đặt ra. Nhà vua không nhất thiết phải xuất thế và thiền sư không nhất thiết phải nhập thế. Bởi lẽ, xuất thế hay nhập thế không chỉ ở hình tướng mà ở tại nơi tâm.
Trần Thái Tông đã lấy tư tưởng vô trụ và tinh thần phật ở tại lòng như lời dạy của quốc sư Phù Vân để làm kim chỉ nam cho cuộc đời chính trị và tu hành của mình. Ngài đã vì lòng thương xót muôn dân mà tinh tấn tu thành, tham thiền liễu ngộ. Không xuất thế, nhưng ngài thực sự là một vị vua, một vị thiền sư đạt đạo.
Bên cạnh thái độ nhập thế tùy duyên để trị quốc, an dân, ngài còn trăn trở để tìm mọi cách, từ lấy mình làm gương cho thiên hạ, đến việc xây dựng chính trị, văn hóa, giáo dục và còn tự tay viết ra nhiều tác phẩm với mong muốn thêm một phương tiện cho muôn dân của mình rời bỏ đường mê mà sớm quay về bờ giác ngộ.
Lục thời sám hối khoa nghi, thiền tông chỉ nam, Kim Cương tam muội kinh tự, khuyến phát bồ đề tâm văn, phổ thuyết tứ sơn,… là những tác phẩm còn vẹn nguyên giá trị trong khoa nghi dành cho các bậc tu hành vẫn thường hành trì cho đến ngày nay.
"Ưng vô sở trụ, nhi sinh kỳ tâm" chính vì vậy đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Đó chính là bước chuyển mình trong nhận cần thiết và đúng lúc. Nó đánh dấu sự phát triển lớn trong tư tưởng Phật học và quan điểm về thiền nhập thế thời kỳ này.
Theo Danviet.vn
Nghiên cứu thảo luận
| Tham quan ảo 3D
Thư viện phim tư liệu
Bộ đếm lượt truy cậpLiên kết Website |