nguyendu.org.vn
Loading...

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Cửu Đỉnh: Còn nhiều bí ẩn chưa biết hết.


Ở sân chầu Thế Tổ Miếu trong Đại Nội Hoàng Thành Huế có 9 cái đỉnh đồng đồ sộ mà người dân thường gọi là Cửu Đỉnh.
 
Tên 9 đỉnh là: Cao Đỉnh, Nhân Đỉnh, Chương Đỉnh, Anh Đỉnh, Nghị Đỉnh, Thuần Đỉnh, Tuyên Đỉnh, Dụ Đỉnh, Huyền Đỉnh. Đây là một trong ba “báu vật quốc gia” ở Huế gồm: Cửu Đỉnh, Cửu Vị thần công và Chuông chùa Thiên Mụ, đã được Bộ VHTTDL xếp hạng. Các học giả, người thì đánh giá Cửu Đỉnh là công trình nghệ thuật tạo hình vĩ đại của Việt Nam, là bộ sử “Đại Nam nhất thống chí” bằng điêu khắc đồng vô cùng độc đáo của Việt Nam. “Cửu Đỉnh được xem như là “bộ bách khoa thư” bằng hình ảnh về đất nước Việt Nam thống nhất có chủ quyền...”.
 
Người thì coi đây là một Tượng đài văn hóa Việt. Khách đến thăm, chỉ nghe hướng dẫn sơ qua từng đỉnh và một số hình ảnh được khắc trên Cửu Đỉnh, v.v... Còn những bí ẩn xung quanh Cửu Đỉnh, công trình sáng tạo tài hoa của Vua Minh Mạng và những người thợ đúc đồng Huế thì ít người biết. Vua Minh Mạng nói: “Thủy chú Cửu đỉnh dĩ tượng thành công” (Đúc Cửu đỉnh biểu tượng thành công to lớn của đất nước”. Sách “Đất nước Việt Nam qua Cửu Đỉnh Huế” do nhà văn Dương Phước Thu biên khảo đã hé lộ cho ta nhiều chi tiết thú vị về bí ẩn của Cửu Đỉnh.
 
Bí ẩn lớn nhất của Cửu Đỉnh là “số 9”. Cơ sở tâm linh để hình thành Cửu Đỉnh là Số học và Dịch học Đông Phương. Tại sao lại là cửu đỉnh? Số chín (9) là con số trời. Số cực hạn của trời đất bắt đầu ở 9 . “Số 1 là Trời, số 2 là Đất, số 3 là Người, vậy 3 nhân 3 thành 9 - đó là con số linh, công năng tượng trưng của nó là vô hạn”. Từ đó trong Cung Vua thì có cửu trùng (nơi Vua ở), Cửu mệnh (chín trật quan lại), cửu phục (chín kiểu phẩm phục của chư hầu), cửu môn (chín cửa thành)... Dân gian thì có: cửu tuyền (chín suối), cửu địa, cửu thiên (chín tầng đất, chín tầng trời), v.v... Theo Kinh dịch, Quẻ đỉnh do hai quẻ đơn là quẻ Ly và quẻ Tốn ghép thành. Mà tự quẻ Ly đã có đức thông minh, sáng suốt; quẻ Tốn có đức vui, thuận. Vậy quẻ Đỉnh có đủ đức sáng suốt, vui thuận, đắc trung cương nhu ứng viện nhau để làm việc đời, thì có việc gì mà không hanh thông”. Trước khi đúc Cửu Đỉnh, Vua Minh Mạng đã cho sứ thần đi khắp các nước, đặc biệt là Trung Hoa để học hỏi, tham khảo mẫu thức, quy mô, hình dạng, nhưng tất cả mọi tư liệu mà các sứ thần mang về đều toàn là những vạc nấu ăn. Còn đỉnh to cao và nặng như ở ta đây thì ba đời Hạ Thương Chu về sau đều chưa hề có! Đỉnh là tượng trưng cho quyền lực thống trị của Nhà nước quân chủ. Vua Minh Mạng nói: “Đỉnh là để tỏ rõ ra ngôi vị đã đúng, danh mệnh đã tự tại. Thực là đồ quý ở nhà Tôn miếu…”. “Đó là để tỏ mong rằng muôn năm bền vững, dõi truyền đời sau”, “Việc đúc đỉnh, cố nhiên là ở nhân công, nhưng quý trọng mà làm được không phải không có thần giúp sức” (Đại Nam thực lục chính biên).
 
Nước ta vô vàn hình ảnh đẹp, đặc trưng từng vùng miền, nhưng Vua Minh Mạng, kiến trúc sư của Cửu Đỉnh chỉ chọn 153 hình ảnh để khắc trên đỉnh. Đó là sự lựa chọn cực kỳ khó khăn. Lại phải chọn cho đúng nút 9, tức là 153 ( 1+5+3 = 9). Trên mỗi đỉnh có 18 hình (một họa thư (hình chũ) và 17 cảnh vật sông, núi, cây, hoa...: nút 9 ( 1+8=9). Tất cả các loại cảnh vật đều được chọn và sắp xếp theo số 9: 9 vì tinh tú là: Mặt trời, mặt trăng, gió, sấm, mây, các sao...; 9 chín ngọn núi lớn: Thiên Tôn, Ngự Bình, Thương Sơn, Hồng Lĩnh, Tảo Viên, Núi Duệ, Đại Lãnh, Hải Vân, Đèo Ngang; 9 con sông đào là : Vĩnh Tế, Vĩnh Điện, Lợi Nông...; 9 loài chim; 9 loài cây lương thực; 9 loại rau củ; 9 loại hoa; 9 loại cây lấy quả; 9 loại dược liệu quý; 9 loại vũ khí; 9 loài cá, ốc, côn trùng... Tất cả những số 9 ấy hòa quyện với nhau tạo nên một bức tranh chủ quyền sông núi đất trời biển đảo Việt Nam hoành tráng.
 
Các hình ảnh được chọn khắc trên Cửu Đỉnh là những ẩn ngữ của quá khứ, hàm chứa tư tưởng, triết lý nhân văn sâu sắc. Trên Cửu Đỉnh Vua Minh Mạng chọn khắc rất nhiều hình ảnh liên quan đến Triều Nguyễn. Về núi thì có núi Thiên Tôn ở Thanh Hóa. Núi Thiên Tôn được khắc ở Cao Đỉnh, là đỉnh lớn nhất, đứng đầu trong Cửu Đỉnh. Núi Thiên Tôn ở huyện Hà Trung, Thanh Hóa. Trong vùng núi có Gia Miêu ngoại trang là nguyên quán của dòng họ Nguyễn Phúc, là nơi phát tích của 9 Chúa và 13 Vua Vương triều Nguyễn. Trong núi có lăng Triệu tổ Nguyễn Kim và Lăng Đức Bà (vợ Nguyễn Kim). Năm Minh Mạng thứ 2, 1821, Vua dụ rằng: “Nước nhà ta gây dựng nghiệp lớn, giữ mệnh trời lâu dài. Kính nghĩ lăng tổ khí thiêng chung đúc, chất chứa phúc lành, nên phong thần núi hiệu là Thiên Tôn, đều làm đền thờ để đáp ơn Thần”.
 
Về sông đào có 9 con sông đào thời Nguyễn được khắc tạc như kênh đào Vĩnh Tế, sông đào Vĩnh Điện (Quảng Nam), sông đào Vĩnh Định (Quảng Trị)... Trong đó Vĩnh Tế Hà (kênh Vĩnh Tế) là con sông đào lớn nhất, được khắc ở Cao Đỉnh. Kênh Vĩnh Tế là công trình thủy lợi lớn nối tỉnh An Giang và Kiên Giang dài hơn 200 dặm do ngài Thoại Ngọc Hầu (quê quán: xóm An Trung, làng An Hải, thuộc huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam thời Nguyễn; nay thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) thiết kế và tự thân đốc xuất dân binh thi công. Thời gian đào kênh đến 5 năm ròng (từ 1820 - 1824). Đến nay kênh Vĩnh Tế vẫn phát huy tác dụng trong đời sống ở miền Tây Nam Bộ.
 
Ở trên Nhân Đỉnh Vua Minh Mạng cho khắc hình ảnh cây lòn bon (Nam Trân). Quả lòn bon rất ngọt, từng chùm như dâu da, có nhiều ở rừng Quảng Nam. Hiện vẫn được bán trên thị trường Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế,... Tương truyền, những năm cuối thế kỷ XVIII, thời gian bị quân Tây Sơn săn đuổi, Nguyễn Vương (Nguyễn Phúc Ánh) ẩn náu ở nguồn sông Vu Gia, rừng Quảng Nam, nhờ ăn quả lòn bon này mà sống. Khi Nguyễn Vương lên ngôi Vua Gia Long, người đã đặt tên cho cây trái này là phụng quân mộc (cây gặp vua). Có lẽ vì thế mà Vua Minh Mạng cho khắc cây lòn bon vào Nhân Đỉnh. Ngoài cây lòn bon, Vua còn cho khắc hình ảnh cá sấu trên Chương đỉnh vì tương truyền Nguyễn Phúc Ánh qua sông nhờ cá sấu cản mà không sa vào tay kẻ thù. Khi vượt biển ra đảo Thổ Chu, thuyền của Ánh không bị lật nhờ rắn thần giữ thăng bằng, nên hình ảnh rắn được khắc trên Anh Đỉnh!
 
Là tượng đài văn hóa Việt, Cửu Đỉnh Huế quán xuyến cả các vì tinh tú trong vũ trụ và biển đảo đất nước. Mặt trời, mặt trăng, sao Bắc Đẩu, Nam Đẩu, rồi gió mưa, sấm chớp... là những hình tượng ẩn linh của không gian Việt. Tư duy chủ quyền đầu thế kỷ XIX mà có cả không gian vũ trụ là rất hiện đại. Lịch sử Vương triều Nguyễn chỉ rõ, ngay từ thời Chúa Nguyễn đã cai quản Hoàng Sa, Trường Sa. Thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát, sử đã chép “Mùa thu, tháng 7, dân đội Hoàng Sa ở Quảng Ngãi đi thuyền ra đảo Hoàng Sa, gặp gió dạt vào hải phận Quỳnh Châu nước Thanh. Tổng đốc Thanh hậu cấp cho rồi cho đưa về. Chúa sai viết thư cám ơn...”. Thời Vua Gia Long (1802-1820), Minh Mạng (1820-1840)... đều luôn quản lý đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các đảo phía Nam, phía Tây Tổ quốc, bằng những công việc hành chính cụ thể: Như cho người vẽ bản đồ Hoàng Sa, cho lập Hải đội Hoàng Sa, khai thác tài nguyên, thưởng phạt những người đi công cán ở Hoàng Sa về. Tất cả các châu bản này đều do Nhà vua ban, ký tá hẳn hoi. Vì thế, khi cho khắc các hình ảnh đặc trưng của đất nước lên Cửu Đỉnh, chứng tỏ Vua Minh Mạng đã rất quan tâm đến chủ quyền biển đảo. Ông đã cho khắc 3 vùng biển của Tổ quốc ta lên 3 đỉnh: Biển Đông ở Cao Đỉnh; Biển Nam ở Nhân Đỉnh và biển Tây ở Chương Đỉnh, là 3 cái đỉnh to cao nhất và quan trọng nhất. Đông Hải (Biển Đông), Nam Hải (Biển Nam) là tên gọi từ ngàn năm nay để chỉ vùng biển nằm phía Đông, Nam, thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Biển Đông là kho tài nguyên vô tận của nước ta. Từ xa xưa, từ thuở Hồng Bàng khai quốc, người Việt đã biết tiến ra làm chủ Biển Đông. Nam Hải (vùng Biển Nam) khắc ở Nhân Đỉnh. Trong vùng biển này có nhiều hòn đảo như Phú Quốc, Thổ Châu, Côn Đảo, v.v... tiếp giáp với hải phận của các nước Malaysia, Indonesia… Theo Đại Nam nhất thống chí, thời còn tranh chấp với Nhà Tây Sơn, một số đảo phía Nam được xem là căn cứ ẩn náu của Chúa Nguyễn Vương (Nguyễn Ánh).
 
17 hình ảnh khắc trên từng Đỉnh được xếp thành 3 tầng: trên - dưới - giữa như hình quẻ Càn. Theo nhà văn Dương Phước Thu thì tầng trên được khắc các hình ảnh liên quan đến không gian trên mặt đất. Tầng dưới khắc vũ khí, xe thuyền, bò sát, cá... Tầng giữa khắc sông, núi, biển... tượng trưng cho thiên văn địa lý. Các hình ở tầng giữa biểu hiện mối quan hệ giữa trời và đất, giữa siêu nhiên và trần thế.
 
Về tên các Đỉnh, phả hệ Nguyễn Tộc và một số học giả giải thích rằng tên mỗi đỉnh là không lấy theo tên thụy của các vua nhà Nguyễn thờ ở Thế Miếu: như Cao Đỉnh ứng với Thế Tổ Gia Long, Nhân Đỉnh ứng với Vua Minh Mạng... Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn trên VTV 3 giải thích tên Đỉnh theo tên thụy của vua là ngược với phả hệ Nguyễn Tộc. Nhưng chính sử nhà Nguyễn không có một dòng nào về việc đặt tên đỉnh này. Chúng tôi cho rằng có lẽ Vua Minh Mạng không đặt tên Đỉnh theo chủ đích đó vì Minh Mạng là đế hệ thứ hai, sau Gia Long, mà theo bài thơ “Đế hệ thi” ngũ ngôn tứ tuyệt “Miên Hường Ưng Bửu Vính…”, thì 4 câu thơ phải ứng với 20 đời vua Nguyễn, trong lúc đó Đỉnh chỉ có 9 cái. Hai là, Nhà Nguyễn có 13 vua, chỉ 9 cái đỉnh thì không đủ để gọi tên. Hơn nữa, khi Vua Minh Mạng mất, trong Thế Miếu mới có hai án thờ vua, nhưng Cửu Đỉnh thì đã sừng sững ngoài sân chầu rồi. Khi làm lễ đặt đỉnh trước Thế Tổ Miếu, Vua Minh Mạng cũng không nói việc tên đỉnh ứng với tên Vua nào, Vua nói: “Nay bắt chước đời xưa mà lấy ý thêm bớt, đúc ra những cái vạc lớn, là Cao Đỉnh, Nhân Đỉnh, Chương Đỉnh, Anh Đỉnh, Nghị Đỉnh, Thuần Đỉnh, Tuyên Đỉnh, Dụ Đỉnh, Huyền Đỉnh, chín cái sừng sững đứng cao, to lớn, nặng vững, không vết nứt nẻ chút nào, đáng làm của báu, con con cháu cháu giữ mãi không bao giờ hết. Vậy thông dụ cho 31 trực tỉnh và Trấn Tây thành đầu biết” (Đại Nam thực lục chính biên).
 
Có thể việc đặt tên Đỉnh ở đây thông qua các “biểu tượng triều đại” của các vị Vua xưng Đế trị, vì theo quan niệm của Kinh dịch, khởi đầu là sự to lớn, vĩ đại, kết thúc là sự huyền nhiệm diệu kỳ. Vì thế mà Cửu Đỉnh được I.Cadiére (linh mục người Pháp, chủ biên tạp chí Những người bạn của Cố đô Huế (B.A.V.H) chiết nghĩa như sau: Cao Đỉnh tượng trưng cho sự Vĩ Đại; Nhân Đỉnh tượng trưng cho Đức Độ; Chương Đỉnh - Ánh Sáng; Anh Đỉnh - Hiển Đạt; Nghị Đỉnh - Cương Nghị; Thuần Đỉnh - Tinh Khiết; Tuyên Đỉnh - Tinh Thông; Dụ Đỉnh: Phong Phú; Huyền Đỉnh - Huyền Kỳ. Chúng tôi nghĩ cách lý giải này của I.Cadiére là thỏa đáng nhất.
 
Có những bí ẩn đến nay chưa thể giải thích được như kích thước (chiều cao, chu vi miệng, chu vi thân, cân nặng, v.v...) của các đỉnh đều khác nhau, lại không theo một trật tự trên dưới, tại sao vậy? Ví dụ về trọng lượng: Cao Đỉnh nặng: 2.604 kg, Nhân Đỉnh: 2.514 kg; Chương Đỉnh: 2.100 kg; Anh Đỉnh: 2.575 kg; Nghị Đỉnh: 2.542; Thuần Đỉnh chỉ 1.951 kg; nhưng Tuyên Đỉnh lại nặng: 2.068 kg; v.v... Đây không phải là sai số do kỹ thuật đúc, vì trình độ đúc Cửu Đỉnh của thợ đồng Việt Nam năm 1936-1937 tinh diệu đến mức được một học giả Pháp, ông P.Chivet đánh giá: “Đã đạt đến trình độ điêu luyện ngang với thợ đúc châu Âu” (tức năm 1914); hay sự tùy tiện trong thiết kế, mà đây cũng là những ẩn ngữ mà ta chưa hiểu được. Hay ở nước ta có hai loài hoa quý ngày Tết của hai miền Nam-Bắc là hoa Đào và hoa Mai, nhưng không có trong 9 loài hoa được chọn khắc. Nghe nói Vua Minh Mạng chỉ chọn các loài hoa có hương, sắc và là cây thuốc chữa bệnh. Hoa Mai, hoa Đào không nằm trong tiêu chí đó.
 
Cửu Đỉnh đã được Nhà nước ta xếp hạng là Báu vật quốc gia (cùng với Chuông Thiên Mụ ở Huế). Qua những điều đã kể trên ta mới hiểu thêm chiều sâu bí ẩn của báu vật Cửu Đỉnh.
_____________
Đất nước Việt Nam qua Cửu Đỉnh Huế, NXB Tri Thức, 2011
 
 
Theo Ngô Minh/Báo Văn hóa