Bốn mươi năm là Nhà giáo, năm nào tôi cũng được giảng Thơ của Tố Như cho bao học sinh. Những năm đầu nghỉ hưu, tôi dồn sức tìm hiểu cuộc đời và thơ của tiên sinh để viết nên Tiểu thuyết NGUYỄN DU. Mấy năm nay, tôi dồn sức đọc và viết về những danh nhân khác, thế nhưng cuộc đời và Thơ của Người vẫn ám ảnh, vẫn cuốn hút tôi. Càng đọc thơ Nguyễn Du, tôi càng thấy thêm bao điều mới mẻ khôn cùng. Tôi luôn băn khoăn tự hỏi: điều gì đã tạo nên những vần thơ có giá trị lớn lao mà bao năm, bao lớp người vẫn say đắm tìm đến, để UNESCO tôn vinh Người là Danh nhân Văn hóa thế giới? Vì học vấn ư? Đó là điều rất quan trọng nhưng trước đó và sau này nhiều người học rộng chẳng kém và có khi hơn Nguyễn nhưng có ai làm được những câu thơ đọng lại trong hồn người đến thế! Vì thiên phú ư? Cũng không phải! Cái trời cho chỉ chiếm một phần nhỏ trong sự nghiệp của những vĩ nhân. Đi vào những nét nổi trội nhất của thơ Tố Như, gắn vào thời đại và những bước đi gập ghềnh cheo leo của cuộc đời Nguyễn, tôi cố tìm lời giải cho nỗi băn khoăn của mình.
Xưa nay “cổ lai danh lợi nhân/ bôn tẩu lộ đồ trung”(Thơ Cao Bá Quát), bao người đua nhau chạy vào thế giới quyền lực, tìm cái danh gắn với cái lợi. Tố Như đã không vì lợi mà cũng chẳng thèm cái danh hão. Người cho rằng: cần gì phải lo cái danh xa xôi sau này: “Hà sự mang mang thân hậu danh” (Hành lạc từ). Tâm trí Nguyễn chỉ đắm mình vào Văn chương: “Bách niên ai lạc hà thời liễu/ tứ bích đồ thư bất yếm đa” (Tạp ngâm)-cuộc buồn vui trăm năm bao giờ mới hết, sách vở đầy bốn vách bao nhiêu cũng vừa. Nguyễn quyết trọn đời với nó “Bách niên cùng tử văn chương lý” (Mạn hứng 2). Trải qua bể dâu càng hiểu thêm cuộc đời, Nguyễn càng cảm thấy danh lợi sẽ mau chóng tan đi chỉ có Văn chương là bất tử. Trong bài “Hành lạc từ” Nguyễn đã nói rõ: Phùng Đạo là bậc khanh tướng, trải qua bốn triều, bổng lộc giàu sang ít ai bằng, rút cuộc cũng chỉ là “cánh hoàn không” duy chỉ bài “Trường lạc tự” là còn lại. Khi đi sang Trung Hoa, đứng trước lầu Hoàng Hạc, nghĩ đến số phận bao người, bao đời, Nguyễn khẳng định: xưa nay công danh phú quý là một giấc mộng, chỉ có văn chương còn mãi mà thôi:“Kim lai cổ vãng Lư Sinh mộng/ Hạc khứ lâu không Thôi Hạo thi.” Chính vì thế trong tình cảnh mình là tôi cũ của nhà Lê, quan bất đắc dĩ của nhà Nguyễn, Tố Như đại ẩn giữa chốn triều đình, cố giữ chí bền mà quyết lập thư.
Nguyễn như con rồng lớn biết nằm im giữa đáy biển, lặng lẽ học, chiêm nghiệm, tích tụ năng lượng để có lúc vùng dậy và tỏa sáng. Chuyến đi sứ Trung Hoa chính là dịp như thế. Ý thức sâu sắc sức mạnh của Văn chương, đêm trước khi qua Ải Nam quan, không thấy chánh sứ tuế cống Nguyễn Du nghĩ gì đến sản vật của triều Nguyễn mang theo mà ông chỉ nghĩ đến “Khuông trung huề hữu bút như đao” - trong tráp đã có ngọn bút sắc như dao. Thân phận người đại diện quốc gia không phải là bề tôi chịu thần phục mà là tư thế của chiến sĩ sắp bước vào một cuộc chiến lớn về tư tưởng, về Văn hóa với cả một Trung Hoa mênh mông, hàng nghìn năm văn hiến, nơi luôn ngạo mạn tự cho mình là trung tâm của văn minh nhân loại. Chỉ trong vòng 12 tháng (tháng ba năm Quý Dậu 1813 đến tháng ba năm Giáp Tuất 1814) Nguyễn viết 132 bài, nhiều hơn thơ còn lại của cả cuộc đời mình (mười sáu năm hàn vi lận đận chỉ có 60 bài, hai mươi năm làm quan ở nước Việt chỉ có 58 bài). Đó thực là một sự bùng nổ, thăng hoa, chói sáng. Ngòi bút của Nguyễn Du súc tích mà tài hoa, sắc sảo và biến hóa, hùng hồn và tha thiết thể hiện một tầm cao vòi vợi về tư tưởng và văn hóa không mấy ai sánh kịp.
Đối thoại với lịch sử Nguyễn tranh luận với mọi giá trị của Trung Hoa. Nguyễn điềm tĩnh khẳng định sự bất tử của những danh nhân lớn: Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Liễu Tông Nguyên, Dự Nhượng... mạnh mẽ phủ nhận những giá trị mà Trung Hoa đề cao: Tô Tần khí cục nhỏ nhen, Mã Viện tham lam, Tào Tháo tiếng thối đầy săng. Mạnh mẽ nhất là ở trên đất nước Trung Hoa mà Nguyễn chỉ rõ Minh Thành tổ là kẻ bất chính và bạo tàn, khẳng định “thánh nhân xuất” lúc bấy giờ chính vua Lê của nước Nam. Phải gan góc, tự tin và cả niềm kiêu hãnh tự hào về dân tộc lắm mới có thể có những vần thơ sắc sảo, mạnh mẽ đến vậy. Không chỉ có thế, Nguyễn nhớ tiếc một khúc nhạc Kê Khang, lên tiếng giải oan cho những người đẹp bị lịch sử bất công vu tội: “Tự thị cử triều không lập trượng/ uổng giao thiên cổ tội khuynh thành” (Dương Phi cố lý). Nguyễn là một nhân cách văn hóa lớn.
Không chỉ lặng lẽ đối thoại với quá khứ mà ông hăm hở đối thoại với thực tại. Ngòi bút của tiên sinh có phê phán bác bỏ, có đau xót yêu thương. Nguyễn thẳng thắn chỉ rõ những điều mà sách vở thánh hiền cũng như quân vương nước Việt ngợi ca đều không có thực trong cõi người này. Tố Như chỉ rõ sự suy thoái về đạo lý của Trung Hoa “Cộng đạo Trung Hoa trọng tiết nghĩa/ như hà hương hỏa thái thê lương” (Quế Lâm Cù Các bộ) - Nghe nói Trung Hoa trọng tiết nghĩa, sao đây hương khói lạnh thế này. Cả sự suy sụp về kinh tế “Chỉ đạo Trung Hoa tận ôn bảo/ Trung Hoa diệc hữu như thứ nhân” (Thái bình mại ca giả). Nghe nói Trung Hoa no ấm cả, Trung Hoa cũng có cảnh này sao? Đó là những phản biện sắc sảo, bác bỏ những giá trị không có thật của một vương triều thống trị. Từ thực cảnh đó, tấm lòng nhà thơ nước Việt tràn ngập những tình cảm yêu thương con người, nhất là người cùng khổ với cảm thức nhân loại. Lòng ông đầy xót thương cho những người dân Trung Hoa “Nhãn hạ ủy câu hác/ huyết nhục tự sài lang” (Sở kiến hành)-chết lăn rãnh đến nơi, thịt da béo cầy sói. Là người trong hội quan trường, Nguyễn đã dám chỉ ra bản chất giả dối và tàn ác của quan lại “Xuất giả khu xa, nhập cử tọa/ tọa đàm lập nghị giai Cao Qùy/ Bất lộ trảo nha dữ giác độc/ Giảo tước nhân nhục cam như di” (Phản chiêu hồn) – họ đi ra ngựa xe vênh vênh váo váo, miệng nói hay như ông Cao ông Qùy, Không lộ vuốt nanh và nọc độc, Nhưng nhai thịt người ngọt xớt như ăn đường. Hơn thế nữa, từ đó Nguyễn đã khái quát “Hậu thế nhân nhân giai Thượng Quan/ đại địa xứ xứ giai Mịch La”- đời sau này ai ai cũng gian nịnh như Thượng Quan, trên mặt đất đâu đâu cũng là sông Mịch La nơi những kẻ sĩ như Khuất Nguyên phải tự vẫn. Đó là những lời gan ruột và sâu sắc, đau đớn và căm phẫn của một con người trung thực và dũng cảm. “Bắc hành tạp lục” kết tinh những tư tưởng cao đẹp, những tình cảm nồng thắm với nhiều cung bậc của một thi nhân nước Việt mang tầm vóc thời đại.
Đâu chỉ có thế “Du rất giỏi về thơ và thơ quốc âm rất hay. Khi sang sứ nước Thanh về có tập thơ “Bắc hành” và truyện “Thúy Kiều” (Đại Nam thực lục chính biên). Với cái tâm trong sáng, không định kiến, không bảo thủ, Nguyễn biết học những cái hay trong văn chương uyên bác của người xưa nhưng cũng rất biết học cái hay cái đẹp của dân gian “Thôn ca sơ học tang ma ngữ” (Thanh minh ngẫu hứng) đã làm cho Nguyễn tạo nên một tượng đài kỳ diệu, bất hủ của Văn chương Việt Nam. Ôm mối sầu vạn thuở Nguyễn viết nên một “Đoạn trường tân thanh” khóc cho thân phận bao kiếp người và cả kẻ sĩ phải chịu những bi kịch đớn đau khôn cùng. Câu thơ “Đau đớn thay phận đàn bà” cất lên như có máu chảy đầu ngọn bút. Nguyễn khóc cho muôn người mà cũng khóc cho mình. Tiếng khóc này trong văn chương có nhiều, nhưng cái làm cho Truyện Kiều khác người, hơn người, vượt lên thời đại bấy giờ chính là cái nhìn mới mẻ, là khát vọng lớn lao. Học theo cửa Khổng sân Trình mà Nguyễn cổ vũ cho các cô gái đạp lên đạo Tam tòng “Xăm xăm băng nẻo vườn khuya một mình” tìm đến với chàng trai mà mình yêu. Luôn được nghe, luôn bị bắt theo giữ đạo Tam cương, tôn thờ tuyệt đối thiên tử, thế mà Nguyễn dám viết “Chọc trời quấy nước mặc dầu/ dọc ngang nào biết trên đầu có ai.” Trong tay của quân vương độc quyền, cho ai sống được sống, bắt ai chết phải chết mà dám viết những câu thơ đảo lộn cả đất trời như vậy thì chỉ mới thấy ở Nguyễn Du. Cái cốt cách cứng cỏi đến bất chấp tất cả để đòi Tự do cùng khát vọng Tình yêu mãnh liệt cho con người, vượt qua những tư tưởng trói buộc của chế độ phong kiến đã đưa tác phẩm Truyện Kiều tới đỉnh cao sừng sững của thi ca đương thời. Nguyễn Du không chỉ đặt ra và giải quyết những vấn đề của một nhóm người, của dân tộc mình thời đó mà cho cả nhân loại, trong mọi thời đại.
“Có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời,” cùng với tài năng văn chương trác tuyệt, Tố Như đã làm nên một sự nghiệp Văn chương không đồ sộ nhưng lại là những đỉnh cao chưa ai vươn tới. Chính cốt cách sống thanh cao, cứng cỏi cùng với tấm lòng son đầy yêu thương con người “mài chẳng khuyết, nhuốm chẳng đen” là sức đẩy mạnh mẽ đưa Nguyễn Du vươn lên tầm vóc của một Đại thi hào, một Danh nhân Văn hóa của Nhân loại.
Cốt cách ấy, xưa nay dễ có mấy ai? Bao giờ chúng ta có thêm những Nguyễn Du?