nguyendu.org.vn
Loading...

Công bố quy hoạch bảo tồn Trung tâm Hoàng thành Thăng Long


Ngày 19-4, tại Hà Nội, UBND TP Hà Nội và Bộ Xây dựng đã tổ chức lễ công bố quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (tỷ lệ 1/500).
 

(Ảnh: dulichvietnam.com)
 
Đồ án quy hoạch chi tiết này gồm 3 nội dung là đồ án quy hoạch, đề án bảo tồn và quy chế quản lý đầu tư xây dựng. Theo ông Vũ Đình Thành, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch - Kiến trúc Quốc gia, khu di sản với tính chất bao gồm nhiều công trình di tích, công trình kiến trúc được xây dựng ở các thời kỳ khác nhau, tuy nhiên chúng có sự gắn kết về mặt lịch sử, không gian trong khu di sản cũng như với các hệ thống di tích xung quanh khu di sản. Do vậy, khi nghiên cứu đề xuất giải pháp bảo tồn ứng xử, các chuyên gia không tách biệt xem xét riêng từng công trình hay bảo tồn tại một thời điểm mà luôn đặt trong mối quan hệ với tổng thể không gian chung.
 
Phương án quy hoạch sẽ tập trung làm nổi bật trục không gian từ Kỳ đài đến Bắc Môn. Đây là trục liên kết các di tích kiến trúc quan trọng nhất hiện còn của khu di sản. Trên trục chính này, sẽ bảo tồn nguyên trạng các di tích, công trình được xác định là tiêu biểu cho các giai đoạn lịch sử như Kỳ đài - Hậu Lâu - Bắc Môn thời Nguyễn; Đoan Môn, nền điện Kính Thiên thời Lê; nhà và hầm D67, nhà và hầm Cục Tác chiến giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Giải pháp quy hoạch như vậy cũng sẽ nhấn mạnh không gian khu di sản theo cấu tầng bậc theo trục - cấu trúc đặc trưng của kiến trúc kinh thành Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Quy mô phạm vi lập quy hoạch của khu vực Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là 18,3ha (bao gồm khu thành cổ Hà Nội từ Kỳ đài đến Bắc Môn và khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu).

Theo tính chất, mức độ tập trung và giá trị các công trình kiến trúc trong khu di sản, Viện Quy hoạch - Kiến trúc chia thành 4 khu vực để đề xuất từng giải pháp cụ thể. Đó là khu vực từ Kỳ Đài đến Đoan Môn, từ Đoan Môn đến Hậu Lâu, từ Hậu Lâu đến Bắc Môn và khu 18 Hoàng Diệu. Bên cạnh đó, đồ án cũng đề xuất mở rộng vùng đệm để bảo vệ khu di sản về phía Bắc và phía Nam. Phía Bắc được mở rộng sát với hồ Trúc Bạch, phía Nam mở rộng kết nối đến khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Khu vực phía Đông được xác định như khu vực chuyển tiếp có tính chất là không gian đệm kết nối khu di sản đến khu vực phố cổ, hồ Gươm…

 
Quy hoạch được triển khai có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, quy hoạch, kiến trúc đô thị đặc sắc của dân tộc. Đồng thời, bảo tồn và tôn vinh được hình ảnh của khu kinh đô lịch sử, góp phần hoàn thiện không gian kiến trúc cảnh quan cho khu trung tâm chính trị Ba Đình, để Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long mãi là tài sản vô giá của cha ông để lại cho nhân loại, cho muôn đời con cháu mai sau...
 
 
Theo Mai An/SGGP.online.

Tin tức sự kiện

Tham quan ảo 3D

nguyendu.org.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website