Nguyễn Du - tác giả của Truyện Kiều được nhân dân ta yêu quý và tôn vinh là Đại thi hào của dân tộc. Lâu nay nhiều người vẫn nghĩ, vẫn viết, vẫn nói và vẫn khẳng định rằng: Nguyễn Du đã được UNESCO vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới. Sự thực thì chưa phải như vậy. Năm 1965, vào dịp năm sinh thứ 200, Nguyễn Du đã được Hội đồng hòa bình thế giới tổ chức kỷ niệm long trọng cùng với 8 nhà văn hóa của các nước khác như nhà thơ Horace của La Mã, nhà thơ Dante của ý, nhà bác học Lômônôxốp của Nga...
Việc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO) vinh danh một Danh nhân văn hóa được thực hiện theo các tiêu chí, các qui trình và các bước thời gian đã qui định của UNESCO. Danh nhân được vinh danh theo bước tuổi 50 năm của năm sinh hoặc năm mất (100, 150, 200, 250, 300...). Đề xuất vinh danh Danh nhân của mỗi nước phải có hồ sơ khoa học, đơn đề nghị cùng Công hàm của Chính phủ của nước ấy. Bước thời gian thực hiện theo đúng qui định chặt chẽ: Cụ thể, để vinh danh các Danh nhân trong năm 2014-2015 thì hồ sơ khoa học của Danh nhân kèm theo đơn đề nghị của Công hàm Chính phủ phải gửi đến Ban thư ký UNESCO ở Paris trước tháng 01 năm 2013 để Ban thư ký xem xét, thẩm tra đưa trình Hội đồng chấp hành xét duyệt trong tháng 4 năm 2013. Hội đồng chấp hành họp nghiên cứu, thảo luận ra Quyết định trình Đại hội đồng UNESCO họp trong tháng 11 năm 2013 xem xét ra Nghị quyết thông qua danh sách các Danh nhân văn hóa thế giới được vinh danh đợt hai năm 2014-2015.
Để Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam có thể thực hiện đúng lộ trình thì trong tháng 12/2012, Ban vận động UNESCO vinh danh Nguyễn Du phải nộp hồ sơ khoa học của Nguyễn Du kèm theo văn bản đề xuất việc vinh danh Nguyễn Du của một cơ quan hoặc tổ chức có thẩm quyền của nhà nước để Chính phủ cấp Công hàm. Nếu mọi việc suôn sẻ thì việc đề nghị vinh danh sẽ được UNESCO xem xét trong đợt 2014-2015. Nếu không có đủ hồ sơ theo qui định thì việc đề nghị vinh danh sẽ phải chờ thêm 50 năm nữa, đến kỳ kỷ niệm 300 năm ngày sinh của nhà thơ.
Biết là việc bắt đầu rúc vào bụi rậm của các thủ tục hành chính nhiêu khê ở Việt Nam như đã phải mất 3 năm hồi chạy xin các thủ tục thành lập Hội Kiều học Việt Nam, nhưng lần này thì giới hạn thời gian đã qui định của UNESCO không cho phép dềnh dàng như thế. Hồ sơ khoa học của Nguyễn Du viết bằng ngoại ngữ đã kịp nộp ở UNESCO Việt Nam trong tháng 11/2012, còn thủ tục xin Công hàm thì xin khất đã. Bắt đầu cuộc chạy Maraton xin giấy tờ thủ tục hành chính. Có người bảo: Nguyễn Du đã được UNESCO công nhận rồi, còn làm nữa làm gì. Có người trả lời: Chưa thấy cấp trên có chỉ thị gì. Lại có ý kiến nói: Việc này đã có Đảng và Nhà nước lo, là Danh nhân thế giới thì đã được lên danh sách rồi, đến hẹn tự khắc họ sẽ công nhận mình thôi. Có người lại còn lấy danh nghĩa tổ chức ra thông báo răn đe: Việc này thuộc thủ tục hành chính của các cơ quan Nhà nước, bất cứ một tổ chức nào, một nhóm người nào hay một cá nhân nào đều không nằm trong qui trình về thủ tục hành chính để đề xuất Nguyễn Du lên UNESCO.
Chỉ có hai tháng để thực hiện trong điều kiện không tiền, không quyền, thiếu nhân lực song vì cái tâm với Nguyễn Du thì dù ai cónói ngả nói nghiêng chúng tôi vẫn quyết tâm làm bằng được, không để lỡ thời cơ 50 năm mới có một lần. Cuối cùng, khi đến hạn thì cũng kịp chạy đủ giấy tờ để xin Công hàm của Chính phủ. Song có đủ giấy tờ rồi thì Công hàm của Chính phủ vẫn chưa được ký, lại phải nhờ đến các vị có thế lực, có tiếng nói ở Chính phủ tác động thêm. Đúng cuối buổi chiều trước hạn một ngày mới xin được chữ ký vào Công hàm Chính phủ và đêm trước hạn định cuối cùng, hồ sơ xin vinh danh Nguyễn Du mới được UNESCO Việt Nam gửi bằng Email qua Paris.
Cuối tháng 4/2013 tin từ Paris báo về: Hồ sơ khoa học đề nghị vinh danh Nguyễn Du được đánh giá cao và Nguyễn Du đã lọt vào danh sách 93 Danh nhân được vinh danh đợt 2014 - 2015 của Quyết định 191EX/32 của Hội đồng chấp hành UNESCO. Có 66 hồ sơ bị loại khỏi vòng xét duyệt đợt này. Thở phào sung sướng. Thế là UNESCO đã biết đến những tinh hoa, những giá trị thực có của ngôn ngữ Việt, của văn hóa Việt thể hiện trong Truyện Kiều, trong các tác phẩm của Nguyễn Du để tôn vinh nhà thơ lớn, nhà văn hóa lớn của dân tộc ta lên bậc Danh nhân văn hóa thế giới.
Biết là ăn chắc rồi song vẫn hồi hộp chờ đợi lượt vào chung khảo ở Đại hội đồng UNESCO họp tháng 11/2013 này. Thấy trong danh sách còn thiếu vắng các Danh nhân nữ và danh nhân ở các vùng Châu Phi, cùng các nước Ả Rập và các Quốc đảo nên Tổng giám đốc UNESCO đã quyết định cho gia hạn nộp hồ sơ thêm 3 tháng, đến hạn cuối cùng là ngày 02 tháng 8 năm 2013. Hội đồng chấp hành UNESCO ra Quyết định bổ sung 192EX/32 thêm 15 Danh nhân, nâng tổng số các Danh nhân được vinh danh lên thành 108 người.
Đại hội đồng UNESCO kỳ họp lần thứ 37 ở Paris đã ra Nghị quyết 37C/15 ngày 25/10/2013 phê chuẩn Quyết định số 191EX/32 và 192EX/32 của Hội đồng chấp hành, nhất trí biểu quyết việc UNESCO tham gia kỷ niệm và vinh danh 108 Danh nhân văn hóa thế giới trong đó có Đại thi hào Nguyễn Du của Việt Nam trong đợt 2014-2015.
Đây là một vinh dự lớn, một niềm tự hào lớn của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế của 195 tổ chức Văn hóa, Khoa học, Giáo dục các nước thành viên UNESCO của Liên hợp quốc.
Đây cũng là một thành công lớn mang dấu ấn lịch sử của Ban vận động UNESCO vinh danh Nguyễn Du và của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đã không bỏ lỡ thời cơ 50 năm mới có 1 lần./.