Loading...
|
Chữ "Thân" và vấn đề thân phận trong tư tưởng Truyện Kiều.Ngày 28 tháng 10 năm 2015
Một đặc điểm thường thấy của các tác phẩm văn học vĩ đại là tầng hàm nghĩa của chúng vô cùng phong phú cho phép có thể có nhiều cách lí giải khác nhau, bổ sung nhau, tầng tầng lớp lớp, hầu như là vô tận. Hàm nghĩa trong Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng như vậy. Đó chính là lí do làm cho vấn đề tư tưởng Truyện Kiều của Nguyễn Du đến nay vẫn là một điểm sôi động, tiếp tục xuất hiện những cách hiểu khác nhau mà mỗi cách đều có cái lí riêng của nó. Đến lượt mình, chúng tôi với tình yêu vô hạn đối với tác phẩm của thi hào Nguyễn Du, cũng xin mạo muội trình thêm một cách hiểu để chư vị tham khảo.
Các nhà nho tài tử đầu thế kỉ XIX như Thập Thanh thị, Mộng Liên Đường, Phạm Quý Thích đều hiểu tác phẩm như một thông điệp về “tài mệnh tương đố”: “Nhất phiến tài tình thiên cổ luỵ, Tân thanh đáo để vị thuỳ thương?”. Đầu thế kỉ XX các học giả như Phạm Quỳnh, nhìn thấy ở Truyện Kiều một triết lí tuỳ thời, cô Kiều tính cách Nho mà tin thần Phật, còn các chí sĩ như Ngô Đức Kế thì chỉ thấy tư tưởng Truyện Kiều “không ra ngoài mấy chữ ai, dâm, sầu, oán, đạo ,dục, tăng, bi”. Một số tác giả hầu như chỉ khẳng định giá trị văn chương của tác phẩm, nội dung chẳng có gì mới lạ. Có người như Trương Tửu xem tác phẩm là sự thể hiện của một cá tính ốm, một đẳng cấp ốm, một mặc cảm bị thua. Vào cuối những năm Kháng chiến chống Pháp nhà phê bình văn học Hoầi Thanh nêu lên tư tưởng về quyền sống con người trong Truyện Kiều, khai thác một chủ đề phù hợp vơi thời đại. Ở miền Nam có người tìm thấy sự lựa chọn tự do của nhân vât, sự phi lí của cuộc đời theo chủ nghĩa hiện sinh, có người chứng minh triết lí đoạn trường hay mặc cảm bạc mệnh ở chính bản thân Kiều. Các nhà nghiên cứu miền Bắc củ trương Truyện Kiều phản ánh hiện thực xã hội thời Nguyễn Du. Gần đây nhà nghiên cứu Phan Ngọc trở lại với tư tưởng Tài mệnh tương đố với cách chứng minh mới, đối lập với chủ đề tình và khổ trong nguyên tác, khá hấp dẫn. Có thể nói, mỗi người đọc chăm chú đều có một Truyện Kiều của mình với chân lí và niềm tin riêng của mình. Nhưng điều thú vị không chỉ ở bản thân tư tưởng của tác phẩm, mà còn ở con đường phát hiện tư tưởng của nhà nghiên cứu.
Đi tìm tư tưởng của tác phẩm là góp phần tìm hiểu cái lí do sâu xa làm cho tác phẩm có được sức cộng hưởng rộng rãi và lâu dài trong bạn đọc. Có một thời người ta thường đi tìm các sự thực của đời sống, hiện tượng văn hoá tương ứng với nội dung tác phẩm để xác định tư tưởng tác phẩm. Hình như các sự thực được kể ra càng nhiều thì nhận định về tư tưởng càng thuyết phục. Nhưng tư tưởng là yếu tố nội tại của tác phẩm, nó phải được thể hiện bằng chính các phương thức biểu đạt nội tại của tác phẩm. Tác phẩm văn học được viết bằng ngôn từ, sử dụng từ ngữ để biểu hiện những nhận xét, khái quát, tạo thành những nốt nhấn gây ấn tượng trong tâm trí bạn đọc. Những từ ngữ lặp lại có quy luật, đặt ở vị trí then chốt, có tác dụng như những chìa khoá giúp người đọc nhanh chóng tìm thấy cảm hứng chủ đạo của tác giả. Nhưng từ ngữ không biểu hiện riêng lẽ, mà kết hợp với hệ thống nhân vật, với các chi tiết đặc trưng mới có sức mạnh thể hiện chủ đề.
Chữ Tài hiện diện khá nổi bật trong Truyện Kiều, bởi cô Kiều có tài và có sắc cô mới được yêu và chuốc lấy bao nhiêu tai vạ, “Chữ tài liền với chữ tai một vần!”. Nhưng tài chưa phải là lí do chủ yếu của truyện. Lí do đó là chữ Tâm, cũng tức là cái tình, tấm lòng của nhân vật chính. Chính chữ Tâm làm cho Kiều phải nể lòng, nhận lời và đến với Kim Trọng; chữ Tâm làm cho nàng than khóc Đạm Tiên; chữ Tâm thúc giục nàng bán mình chuộc cha, cậy em thay lời trả nghĩa Kim Trọng; chữ Tâm khiến nàng tự sát, khiến nàng nhắm mắt chạy theo Sở Khanh với hi vọng mong manh thoát khỏi nhà chứa; chữ Tâm khiến nàng cam phận làm lẽ, khuyên Thúc Sinh về nhà, khiên nàng chọn Từ Hải, báo ân báo oán, tha bổng Hoạn Thư, khuyên Từ Hải hàng để rồi chết theo Từ Hải; cuối cùng giữ tình cầm cờ với chàng Kim Trọng. Chữ Tâm rõ ràng đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong cốt truyện, thúc đẩy sự kiện phát triển. Truyện Kiều có thể nói là truyện được tạo ra chủ yếu để thử thách cái Tâm con người. Và thực sự đó là tiểu thuyết về chữ Tâm. “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”. Chính người đọc yêu mến Kiều không phải vì nàng tài, mà vì nàng có một tấm lòng trinh bạch, nghĩa khí, giàu tình cảm vị tha. Toàn bộ sáng tạo của Nguyễn Du chủ yếu là làm cho chữ Tâm của nhân vật chính được bộc lộ trọn vẹn và sâu sắc: các mâu thuẫn nội tâm được đào sâu và đẩy tới cao độ, các hoạt động nội tâm được khắc hoạ, các đoạn tả tình cảnh cô đơn, mong nhớ, các đoạn tả cảnh được khai thác triệt để, các cảnh chia li được tả thống thiết đã tạo thành một tiểu thuyết tâm lí, đúng như nhiều nhà nghiên cứu đã nhận xét. Nếu chủ đề của truyện chỉ là “tài mệnh tương đố” thì tác giả không nhất thiết phải khổ công “để nhân vật ngồi một mình” và tập trung khắc hoạ tâm lí nhân vật làm gì. Chủ đề đích thực phải tương ứng với hệ thống biểu đạt nghệ thuật.
Nhưng Truyện Kiều không chỉ có chữ Tài, chữ Tâm, mà còn có chữ Thân, chữ Phận. Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh thống kê có 63 chữ thân với nghĩa là mình, tức là thân thể; có 43 chữ phận với nghĩa là phần riêng, địa vị, số phận. Tâm là phương diện “hình nhi thượng”, là đời sống tinh thần, là lương tâm, nghĩa vụ, trách nhiệm, đạo lí. Thân là “hình nhi hạ”, là cái phần vật chất duy nhất của con người, là phần hữu hạn, bé nhỏ, dễ hư nát và đau đớn nhất của bất cứ ai. Thân cũng là phần của vô thức, bản năng của con người. Thân là bản thân sự sống. Thân là phần riêng tư nhất mà người ta có thể liều, có thể tự sát hay bị giết, có thể đem cho hay mua bán. Thân là phần quý giá nhất, duy nhất, mỗi người chỉ sống có một lần. Thân là tình cảm, xúc động. Có thân mới có con người, có vui sướng, có phúc phận, do đó thân phận đi liền với nhau. Thân gắn liền với sung sướng, đau khổ, buồn vui… nên cũng gắn liền với tâm. Thân không không chỉ là cá thể mà còn bao gồm cả gia đình, dòng họ, bạn bè gắn bó với nó. Sự thay đổi lớn nhất trong đời Kiều là thay đổi về thân phận. Cuộc đời lưu lạc của Kiều là chuỗi ngày đày đoạ tấm thân. Ý Thức về thân phận chính là ý thức về cái phần riêng tư nhất, thực tại nhất của con người. Truyện Kiều là một truyện thương thân, xót thân thấm thía nhất. Chữ thân , chữ phận thường là chủ đề của những suy nghĩ của nhân vật về bản thân mình, thường đứng làm chủ ngữ, bổ ngữ trong các câu than thân của tác phẩm:
Thân còn chẳng tiếc, tiếc gì đến duyên.
Thânnày thôi có còn gì mà mong!
Thân này đã bỏ những ngày ra đi!
Rằng tôi bèo bọt chút thân.
Thân lươn bao quản lấm đầu.
Nghĩ thân mà lại ngậm ngùi cho thân.
Cửa người đày đoạ chút thân.
Chút thânquằn quại vũng lầy.
Thân lươn bao quản lấm đầu.
Đành thân cát dập sóng dồi.
Thân sao thân đến thế này.
Phận bèo bao quản nước sa.
Phận hồng nhan có mong manh.
Đau đớn thay phận đàn bà!
Phận con thôi có ra gì mai sau.
…
Truỵên Kiều được xây dựng sao cho nhân vật tự cảm thấy được cái thân phận đau đớn, ê chề, nhục nhã của mình. Bao nhiêu lần thay bậc đổi ngôi, bao nhiêu lần bị đánh đập , giày vò, sĩ nhục, bao nhiêu lần bị xảy đàn tan nghé! Chữ thân còn được ý thức qua chữ một mình (21 chữ), chữ mình (96 chữ), chữ phận (43 chữ), là cái phần riêng tư nhất, người ngoài không thể biết: “Biết duyên mình, biết phận mình, thế thôi”. Chữ thân cũng được ý thức qua chữ riêng (37 chữ):”Nỗi riêng,riêng chạnh tấc riêng một mình”. Có thể nói chủ đề của Truyện Kiều là vấn đề thân phận con người.
Bảo rằng “Tài mệnh tương đố” là chủ đề của Truyện Kiều thì chủ đề này không thể có tính phổ quát được, bởi không phải ai cũng có tài. Rất có thể Nguyễn Du bắt đầu sáng tác với cảm hứng thương tài, nhưng trong quá trình triển khai tác phẩm chữ tài không còn ở vị trí hàng đầu nữa. Ở đây chữ tài là nét riêng của thân, là trường hợp riêng của nó, làm cho sự khổ thân thêm nổi bật. Tiểu thuyết tài tử giai nhân đã đề cao tài, đặc biệt là tài của giai nhân, của nữ giới, nhằm tạo ra một thế giới tài tình, phân biệt với thế giới thiện ác xung quanh, là một biểu hiện tư tưởng hạn chế vốn có của loại tiểu thuyết này. Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân và Truyện Kiều của Nguyễn Du không hoàn toàn thuộc loại tiểu thuyết tài tử giai nhân. Riêng Nguyễn Du đã tước bỏ nhiều chi tiết thể hiện tài của nhân vật như tài làm thơ, cho nên chữ tài đã nhạt bớt. Cả Truyện Kiều chỉ có 18 chữ tài! Nguyễn Du đã viết Lạ gì bỉ sắc tư phong, thì “tài mệnh tương đố không có gì mới để mà biểu hiện. Cái mới chỉ là ở chỗ “đã đau đớn lòng”. Nhưng cái đau lòng của Nguyễn Du là đau cho cái thân con người. Trong truyện nổi lên chữ Thân. Thân là sự hiện diện của con người, ai ai mà chẳng có thân! Nguyễn Du có thể đã sử dụng hệ suy luận của Lão Tử: “Có thân thì có khổ” :”Trời kia đã bắt làm người có Thân, Bắt phong trần phải phong trần”. Cũng có thể Nguyễn Du đã sử dụng hệ suy luận của Phật giáo: Có hoạt động thân tâm thì có Nghiệp. Nghiệp có nghĩa là tạo tác. Tạo tác thành ra nhân quả. Con người có thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp, lại có thiện nghiệp, ác nghiệp, vô kí nghiệp. Có nghiệp là có báo, không ai thoát khỏi nghiệp báo.”Đã mang lấy nhiệp vào thân, Cũng đừng trách lẫn Trời gần Trời xa. Thiện căn ở tại lòng ta.” Muốn giải thoát khỏi nghiệp thì phải siêu thoát khỏi đời sống, giải thoát khỏi sinh tử, chuyển hoá thành phật hoặc vô thân (quên thân) như cách nói của Lão Tử. Nhưng chữ thân trong Truyện Kiều lại không hoàn toàn đồng nhất với chữ thân trong triết học cổ đại kia. Nó không phải là chữ thân tôn giáo, luôn xem cái thân là thứ ô uế, là nguồn gốc của mọi tội lỗi mà con người phải tu tập, che đậy, để từ bỏ cái thân nhằm đạt tới giải thoát. Trong Truyện Kiều chữ thân không mang nội dung cấm dục, trái lại nhà thơ đã miêu tả chữ thân trong tất cả vẻ đẹp lộng lẫy đầy cảm hứng. Nó là chữ thân trần thế phổ quát của mọi ngưòi, là chữ thân mà bản thân Nguyễn Du tha thiết, mà ông đã thể nghiệm trong thời thơ ấu hạnh phúc và trong mười năm gió bụi lay lắt tại quê vợ Thái Bình, là cái thân đói khát, ốm đau gầy yếu, là chữ thân trong ca dao tục ngữ. Đó là chữ thân trong những câu “Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai”, “Thân em như tấm lụa đào, phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”, “Thương thay thân phận con rùa, Trong đình đội hạc, trên chùa đội bia”, “Thân em như thể cánh bèo, Ngược xuôi, xuôi ngược theo chiều nước trôi.”…
Một khi đã nói “làm người có thân”, “Một người dễ có mấy thân”, “Đục trong thân cũng là thân”, “Thân còn chẳng tiếc, tiếc gì đến duyên” thì thân là quý nhất. Chủ đề Truyện Kiều hướng tới vấn đề con người phổ quát, vượt lên giới tính, tài năng, bẩm phú. Theo triết học hiện tượng luận, chủ nghĩa hiện sinh ngày nay, có thể nói là Nguyễn Du đã bắt đầu từ chỗ bắt đầu, bởi vì, thân thể là tồn tại thứ nhất của con người, sau đó mới là lí tính, mới là suy nghĩ, mới có bản chất. Và do bắt đầu từ đó mà Truyện Kiều đạt tới một chiều sâu hiện sinh chưa từng có. Đó là vấn đề mà một số người đã bàn.
So với Kim Vân Kiều truyện Nguyễn Du đã chuyển chủ đề tình khổ sang tâm khổ, thân khổ; mở rộng chủ đề tài mệnh tương đố truyền thống sang “thân mệnh tương đố”, biến một chuyện tài tình bất hủ thành một tiếng kêu đoạn trường, một tiếng kêu thương như Hoài Thanh nói. Nhà thơ Tố Hữu đã cảm nhận rất đúng cái hồn của Truyện Kiều: “Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân, Bâng khuâng nhớ cụ, thương thân nàng Kiều.” Thương thân bao hàm cả thương tài, nhưng rộng hơn thương tài, tiếng thương chứ không phải câu chuyện bất hủ như truyện Trung Quốc.
Nếu đặt trong lịch sử tư tưởng văn học Việt Nam thì chữ thân này có một vị trí đặc biệt. Từ chữ thân bị phủ nhận trong thơ thiền (“Thân như tường bích khi sụt lở”, “Thân như ánh chớp có rồi không”…) qua chữ thân nhàn trong thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm được cảm nhận qua tính khí, muốn được hoà hợp với cảnh vật thiên nhiên, trong đạo, “không để lợi danh vây”,đến chữ thân thời cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX của Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều, Phạm Thái, Nguyễn Du…đã có một sự nhảy vọt: thân như một thực thể hoàn chỉnh của sự sống, có nhu cầu tồn tại độc lập, có khao khát được thoả mãn, được hưởng thụ. Nguyễn Gia Thiều đau đớn:”Nghĩ thân phù thế mà đau, Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê.”Đoàn Thị Điểm cảm nhận tất cả sự cô đơn khi người chinh phu đi lập chiến công: “Vì chàng thân thiếp lẽ loi mọi bề”. Hồ Xuân Hương khẳng định với chính mình: “Thân này đâu đã chịu già tom.” Có thể nói trong văn học Việt Nam từ thế kỉ XVIII có cả một dòng văn học chữ thân mà Truyện Kiều của Nguyễn Du là sự thể hiện đầy đủ nhất, sâu sắc nhất.
Thân là cơ thể thiên nhiên tươi đẹp quyến rũ:
Rõ ràng trong ngọc trắng ngà,
Dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên.
Thân là tài hoa, sắc đẹp, là cái quý giá nhất:
-Thân còn chẳng tiếc, tiếc gì đến duyên.
-Đục trong thân vẫn là thân.
Khẳng định chữ thân thì khó lòng cảm nhận cửa Phật là nơi giải thoát, mà chỉ là nơi chôn vùi cuộc đời, là nấm mồ của tuổi xuân:
Đã đem mình bỏ am mây,
Tuổi này gửi với cỏ cây cũng vừa!
Thân là thân phận: bèo bọt chút thân, chút thân lạc loài, tấm thân quằn quại vũng lầy, thân tôi đòi, thân cát đằng, thân cát dập sóng dồi…
Thân vừa là tấm lòng, vừa là chữ tâm. Nhưng chữ tâm ở đây vừa mang nội dung lí tính truyền thống như: trung, hiếu, tiết, nghĩa, trinh, lễ, nhân, vừa mang nội dung tính, tình, nhân tình, bao gồm tình cảm thương thân, thương người, thương tài, những biểu hiện của ý thức cá nhân. Tâm tức lí của Minh Nho.
Thân cũng là nhu cầu vô thức:
Nghe lời nàng đã sinh nghi
Nhưng đà quá đỗi quản gì được thân.
Thân là một bộ phận của cơ thể gia đình: chiếc lá lìa cành, chiếc lá bơ vơ, hoa dù rã cánh lá còn xanh cây…
Chủ nghĩa nhân đạo thời Nguyễn Du lấy chữ Thân làm nền tảng, khác với chủ nghĩa lí tính trong chủ nghĩa nhân đạo phương Tây. Nó chưa nêu được các tư tưởng chống quân quyền, thần quyền, đề xướng nguyên tắc tôn trọng cá tính như ở phương Tây, nhưng đặt trong lịch trình tư tưỏng về con người ở phương đông thì Nguyễn Du đã nêu bật ý thức về lòng xót thân, thương người bằng cách khắc hoạ nhưng nỗi đau của con người, những nỗi đau mà nhiều khi vì các mục đích đạo đức, lễ giáo, lí tưởng người ta đã dễ dàng coi thân là phương tiện và bỏ qua nhu cầu tồn tại riêng của nó. Cô Kiều của Nguyễn Du vẫn hi sinh vì nước, vì nhà , đắc hiếu, đắc trung, song cảm hứng của nhà thơ lại ở chỗ không phải đề cao cái đức hi sinh, mà là xót thương, đau đớn cho thân phận cá nhân, và như thế khẳng định sự tồn tại của cá nhân con người. Khác hẳn nhân vật Điêu Thuyền trong Tam Quốc diễn nghĩa, cũng hy sinh vì liên hoàn kế của Vương Tư Đồ, nhưng mà không hề có cảm giác về cái riêng. Cô ta đồng nhất hoàn toàn với tính công cụ chính trị.
Từ chủ đề chữ Thân có thể nói, Truyện Kiều của Nguyễn Du tuy sáng tác theo một cốt truyện có sẵn của Trung Quốc song tư tưởng của nó bắt nguồn từ văn mạch dân tộc, từ cội nguồn văn học dân gian và văn học viết thế kỉ XVIII. Ông không chỉ đã làm phong phú cho chủ nghĩa nhân đạo trong văn học, mà còn từ trên cơ sở đó đổi mới mô hình tự sự của truyện, đổi mới điểm nhìn và thành phần ngôn từ trần thuật của tác phẩm, làm nên đỉnh cao chói lọi trong văn học Việt Nam.
Hoàng Thị Lê - Trường THPT Nguyễn Du (Nghi Xuân - Hà Tĩnh)
(Tham luận Hội thảo khoa học Nguyễn Du -Truyện Kiều với quê hương Nghi Xuân)
| Tham quan ảo 3D
Thư viện phim tư liệu
Bộ đếm lượt truy cậpLiên kết Website |