nguyendu.org.vn
Loading...

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn việc đưa hoạt động văn hóa, du lịch, giải trí trở lại


Triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Bộ VHTTDL đã có hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
 
Hoạt động lễ hội giảm tổ chức các hoạt động hội đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh căn cứ theo tình hình diễn biến dịch bệnh và các quy định thực tế tại địa phương (ảnh minh họa)
 
Theo hướng dẫn, các yêu cầu chung đặt ra khi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch gồm: Xây dựng kế hoạch tổ chức và các phương án phòng, chống dịch theo từng cấp độ, chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định; tạo mã QR điểm kiểm dịch để thực hiện quản lý người ra-vào địa điểm quản lý và khai báo y tế theo quy định tại Quyết định số 2666/QĐ-BYT ngày 29/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế; theo dõi sức khỏe của người tham gia tổ chức sự kiện, hoạt động dịch vụ hàng ngày; không được bố trí làm việc đối với người có một trong các triệu chứng như mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở... và người thuộc đối tượng F1, F2; yêu cầu người tham gia tổ chức sự kiện, hoạt động dịch vụ tự đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe tại nhà trước khi đến nơi làm việc, không đi làm nếu có các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở... và phải báo cho đơn vị quản lý, y tế địa phương để được tư vấn và xử trí theo quy định.
 
Tại khu vực cửa vào của địa điểm tổ chức sự kiện, hoạt động dịch vụ phải tổ chức đo thân nhiệt, yêu cầu người lao động, người tham dự phải khai báo y tế, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách theo quy định; bố trí biển báo quy định phòng, chống dịch; bố trí đầy đủ dung dịch sát khuẩn tay; bố trí khu vực vào đơn vị có kẻ vạch giãn cách theo quy định; kiểm soát và quản lý người vào; có biện pháp kiểm soát mật độ người vào đảm bảo quy định phòng, chống dịch. Yêu cầu toàn bộ người tham gia tổ chức phải thực hiện 5K.
 
Có phương án bố trí phòng/khu vực cách ly tạm thời (sau đây gọi là phòng cách ly) cho người tổ chức/người tham gia có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở... hoặc F0, hoặc F1, hoặc F2 khi đang làm việc. Khu vực cách ly phải đảm bảo các yêu cầu của Bộ Y tế.
 
Yêu cầu tại các nơi có tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch bố trí đủ thùng đựng chất thải có nắp đậy; bố trí đầy đủ khu vực rửa tay, nhà vệ sinh, đảm bảo luôn có đủ nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình sức khỏe của người tham gia tổ chức; có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền về y tế của địa phương khi có yêu cầu…
 
Người tham dự sự kiện phải thực hiện 5K, chấp hành các quy định của pháp luật về biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, các quy định của chính quyền địa phương, cơ quan y tế và ban tổ chức; sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin theo quy định để khai báo y tế theo quy định... Trong trường hợp Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế ban hành quy định mới về phòng, chống dịch COVID-19 đối với các đối tượng áp dụng tại hướng dẫn này thì thực hiện theo quy định mới.
 
Hướng dẫn cũng ban hành quy định cụ thể đối với từng hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch theo từng cấp độ cụ thể. Theo đó, tùy theo từng sự kiện, diễn ra ở từng địa phương thuộc từng cấp độ, sẽ quy định cụ thể về quy mô, hình thức tổ chức và số khách mời tham gia sự kiện.
 
Đối với lĩnh vực văn hóa
 
Cụ thể, đối với hoạt động văn hóa phục vụ nhiệm vụ chính trị; hoạt động triển lãm; tổ chức ngày kỷ niệm, ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng:
 
Đối với địa bàn có dịch cấp độ 2: Giảm quy mô, cấp độ, thay đổi hình thức tổ chức theo tình hình diễn biến dịch bệnh và các quy định của địa phương. Giảm 30% số lượng đại biểu, khách mời theo kế hoạch được phê duyệt.
 
Đối với địa bàn có dịch cấp độ 3: Giảm 50% số lượng đại biểu, khách mời dự theo kế hoạch được phê duyệt.
 
Đối với địa bàn có dịch cấp độ 4: Dừng tổ chức các hoạt động. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ngày kỷ niệm, ngày truyền thống ngày thành lập, ngày hưởng ứng thông qua phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử, ấn phẩm tuyên truyền.
 
Đối với hoạt động lễ hội
 
Giảm quy mô, điều chỉnh hình thức, thời gian tổ chức lễ hội; giảm tổ chức các hoạt động hội đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh căn cứ theo tình hình diễn biến dịch bệnh và các quy định thực tế tại địa phương. Giảm 50% số lượng đại biểu, khách mời theo kế hoạch được phê duyệt đối với địa bàn có dịch cấp độ 2. Chỉ tổ chức phần nghi lễ, không tổ chức các hoạt động hội. Không mời khách tham dự phần nghi lễ đối với địa bàn có dịch cấp độ 3. Dừng tổ chức lễ hội đối với địa bàn có dịch cấp độ 4.
 
Đối với hoạt động của thư viện, rạp chiếu phim, địa điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật
 
Đối với địa bàn có dịch cấp độ 2: Giảm 50% số lượng khách, khán giả, độc giả phục vụ. Thực hiện các biện pháp khử khuẩn định kỳ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Có bảng nội quy hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
 
Đối với địa bàn có dịch cấp độ 3 các điều kiện cũng tương tự cấp độ 2, tuy nhiên về số lượng khách, khán giả, độc giả phục vụ thì giảm 70%.
 
Đối với địa bàn có dịch cấp độ 4: Dừng tổ chức các hoạt động.
 
Đối với hoạt động của các di tích, bảo tàng
 
Đối với địa bàn có dịch cấp độ 2: Chỉ đón tiếp, phục vụ các đoàn tham quan không quá 20 người/đoàn; đảm bảo khoảng cách, thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch. Thực hiện các biện pháp khử khuẩn định kỳ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Có bảng nội quy hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Người hướng dẫn, thuyết minh tham quan đã tiêm ít nhất 1 liều vaccine ngừa COVID-19 thời gian đủ 14 ngày trở lên, hoặc người đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng, có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 theo quy định của Sở Y tế.
 
Đối với địa bàn có dịch cấp độ 3 các điều kiện cũng tương tự cấp độ 2, tuy nhiên chỉ đón tiếp, phục vụ các đoàn tham quan không quá 10 người/đoàn, đảm bảo khoảng cách, thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch. Riêng đối với địa bàn có dịch cấp độ 4 thì dừng tổ chức các hoạt động.
 
Nơi có dịch cấp độ 1 và 2 thì hoạt động du lịch được tổ chức phục vụ 100% công suất (ảnh minh hoạ)
 
Đối với hoạt động thể dục thể thao và thi đấu thể thao
 
Hướng dẫn cũng quy định rất cụ thể cho từng hoạt động tập luyện thể dục thể thao ngoài trời, trong nhà; hoạt động thi đấu thể thao; hoạt động huấn luyện, đào tạo vận động viên theo từng cấp độ ở địa bàn. Ban tổ chức giải hoặc đơn vị tổ chức giải thể thao chịu trách nhiệm xây dựng, triển khai phương án đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 trình cấp có thẩm quyền cho phép tổ chức giải phê duyệt trong thời hạn tối thiểu là 15 ngày trước khi giải khai mạc (bao gồm việc kiểm tra, xét nghiệm, đảm bảo an toàn cho người tham gia, khán giả và phương án phối hợp với cơ quan y tế xử lý khi phát hiện ca mắc mới; thực hiện các biện pháp khử khuẩn, vệ sinh trang, thiết bị, dụng cụ).
 
Đối với hoạt động du lịch
 
Hướng dẫn quy định cụ thể việc yêu cầu xét nghiệm đối với từng cấp độ dịch, từng đối tượng và quy định tỉ lệ công suất hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh du lịch ở từng địa bàn theo từng cấp độ. Nơi có dịch cấp độ 1 và 2 thì hoạt động du lịch được tổ chức phục vụ 100% công suất. Địa bàn có dịch cấp độ 3, chỉ tổ chức hoạt động tham quan tại khu, điểm du lịch, sự kiện tập trung trong nhà và các chương trình du lịch theo nhóm dưới 25 người.
 
Cơ sở lưu trú du lịch, dịch vụ ăn uống trong cơ sở kinh doanh du lịch được hoạt động với không quá 50% công suất tại cùng một thời điểm. Phương tiện đưa đón khách không sử dụng quá 50% số ghế. Các dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như vũ trường, karaoke, mát xa, quán bar, internet, trò chơi điện tử, làm tóc, làm đẹp và dịch vụ khác thực hiện theo quy định của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
 
Địa bàn có dịch cấp độ 4 thì phải dừng hoạt động tham quan tại khu, điểm du lịch; dừng tổ chức sự kiện tập trung trong nhà trên 20 người; dừng các chương trình du lịch trong địa bàn, đi và đến địa bàn này.
 
Cơ sở lưu trú du lịch, dịch vụ ăn uống trong cơ sở kinh doanh du lịch được hoạt động không quá 30% công suất tại cùng một thời điểm. Phương tiện đưa đón khách không sử dụng quá 50% số ghế. Các dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao khác thực hiện theo quy định của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
 
Các cơ sở lưu trú du lịch tiếp nhận khách cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu phòng, chống dịch của cơ quan y tế địa phương. Các cơ sở lưu trú du lịch đang phục vụ khách với công suất trên 30% thì không đón khách mới.
 
Đối với cơ sở kinh doanh du lịch là phải đăng ký và tự đánh giá an toàn COVID-19 hằng ngày tại địa chỉ http://safe.tourism.com.vn để kết nối với hệ thống an toàn COVID quốc gia.
 
 
Theo Hồng Hà/bvhttdl.gov.vn
 

Tin tức sự kiện
Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều trong tâm hồn một người chơi sách. Nhận được lời mời viết về Đại Thi Hào NGUYỄN DU và về truyện KIỀU nhân dịp Kỷ Niệm 250 năm ngày sinh của Cụ, tôi phân vân không biết mình nên viết gì. và nên viết thế nào, khi mình chỉ là một người yêu sách, chơi sách, chứ không phải là nhà nghiên cứu hoặc phê bình. Hơn nữa, về việc nghiên cứu và phê bình, thì trong thiên hạ đã có hàng vạn hàng triệu người đã làm trong cả trăm năm đã qua. hiện đang làm, và sẽ còn làm dài dài cho tới ngày… tận thế; vậy thì những việc đó, do đã có quá nhiều người làm rồi, nên tôi không ham. Tôi còn nhớ rất rõ là tôi đã đến với Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đúng 60 năm trước, khi tôi vừa 20 tuổi lần thứ nhất. Cuốn KIỀU tôi đọc nằm trong tủ sách của Cụ thân sinh ra tôi, cũng là một người rất thích sách và chơi sách. Đó là một cuốn KIỀU được dịch ra Pháp văn bởi Cụ NGUYỄN VĂN VĨNH, một Dịch giả đáng tin cậy, và bản dịch, ngoài những câu được dịch nguyên câu, còn có những câu được dịch từng chữ một, rất có lợi cho người thích học Pháp ngữ. Tôi đã đọc kỹ và rất thích vì thấy Cụ NGUYỄN DU đã viết truyện KIỀU bằng thơ lục bát hay quá. Vào lúc đó tôi chỉ đọc và thích, chứ chưa hề nghĩ tới xuất xứ của truyện KIỀU là một truyện bằng văn xuôi của một tác giả người Hoa là Thanh Tâm Tài Nhân. Sau này trong những ngày tháng chơi sách tôi mới để tâm tìm hiểu thêm về truyện KIỀU. Mới đây, sau khi nhận được lời mời viết,và trong lúc tôi đang phân vân không biết nên viết gì, thì tình cờ, trong lúc đảo mắt qua mấy tủ sách đầy ắp cổ thư trong thư phòng, tôi chợt bắt gặp bộ “TỰ ĐIỂN CÁC TÁC PHẨM CỦA CÁC THỜI ĐẠI VÀ CÁC XỨ SỞ” và trong đầu tôi bỗng nảy sinh ý tưởng muốn viết về đề tài “ Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đã được người đời biết đến như thế nào?” Đồng thời tôi cũng nghĩ tới chuyện viết thêm về “Cách làm một sưu tập KIỀU” để chia sẻ những kinh nghiệm về việc sưu tập của tôi với những ai có cùng với tôi một sở thích.

Audio Guide

nguyendu.org.vn

Tham quan ảo 3D

nguyendu.org.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website