Bình vôi là một đồ vật dùng để đựng vôi ăn trầu. Nó mang nét văn hóa - lịch sử đặc biệt của đất nước Việt Nam; gắn liền với sự tích trầu cau và tục ăn trầu ở nước ta.

 

Bình vôi - Hiện vật mang đậm nét văn hóa cổ Việt Nam


Cái bình đựng vôi ra đời từ rất sớm. Trước hết người ta làm những bình bằng đất nung, bằng sành rất to. Nước được đổ vào bình, sau đó người ta thả các cục vôi sống vào. Vôi sôi sùng sục, tan ra và tạo nên một khối vôi loãng. Sau đó vôi kết lại thành thứ hồ sền sệt. Cái bình vôi có dáng dấp một quả bí ngô cao lên hoặc dẹp xuống. Cũng có loại bình mang hình cái ấm tích, hay chiếc lọ; ngoài ra còn thấy sự xuất hiện của những Ông Bình vôi hình quả cau, hình trứng, hình con vịt, tắc kè, kỳ đà... với nhiều chất liệu đa dạng như sành, đá, đặc biệt là bằng đồng thau. Đó chính là những đồ vật rất quí và hiếm còn sót lại cho tới ngày nay. Những Bình vôi xưa có màu lục hay màu vàng, nâu hay được tráng men xanh trắng, cũng có lúc để mộc như gạch; trang trí bằng những hình vẽ màu nhẹ nhàng. Có cây, có hoa, núi non, sông nước. Một bình vôi có mấy nét cỏ, một dáng mây và một vẻ thôn xóm yên bình. Bình vôi có quai xách, được trang trí khá cầu kỳ bằng những hoa văn như hình bát quái, âm dương hoặc hình vẽ vài quả cau để nhắc đến chuyện trầu cau cổ tích. Miệng bình vôi nhỏ có dáng vểnh lên cao một chút. Người ta cho cục vôi và nước qua miệng bình; sau đó lấy vôi trong bình ra bằng một que dài có dáng như một chiếc bơi chèo gọi là cái chìa vôi, quệt vào lá trầu, têm rồi nhai với cau. Dân gian xưa có câu “Có trầu, có vỏ, không vôi; Khác gì “Có chăn, có chiếu không người nằm chung”.

Bình vôi thường được đặt ở một vị trí khá trang trọng trong gia đình. Khi đã sử dụng lâu, vôi trong bình bị cứng lại hoặc bình bị rạn nứt tí chút thì chủ nhà mua luôn cái bình mới. Bình vôi cũ được mang ra đặt cạnh các cây đa cổ thụ hoặc cạnh miếu thờ, đền thờ. Người ta cũng thường quấn rễ con buông rũ xuống cây đa vào quai xách những chiếc bình vôi, treo chúng lên lơ lửng. Chiếc bình vôi khiến người đời sau nhớ đến hình ảnh thân thương đã xa của người bà, người mẹ.

Bình vôi dân dã thực sự rất đơn giản, giống một độc bình thấp nhỏ có miệng loe cắm que têm trầu, làm bằng đất sét thô nung không tráng men màu. Bình vôi thường không được mấy ai chú ý vẻ đẹp mộc mạc quê mùa đó trừ những bà già ăn trầu và những bô lão hom hem miệt vườn. Bình vôi quyền quý thay đổi theo thời gian, chỉ được nhìn ngắm như một dấu tích di sản của một nền văn hoá; trong khi bình vôi dân dã thô sơ vẫn có mặt nơi quê hương, vẫn đầy ắp trong lòng tình nồng dân tộc.

Trong số những sản phẩm đất nung, gọi chung là đồ gốm, phải nói rằng bình vôi có nét riêng rẽ độc lập mang cá tính rất Việt Nam, mặc dầu tục ăn cau trầu vôi lan rộng cả vùng Đông Nam Á, kể từ Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam phía Nam Trung Hoa cho đến các nước láng giềng Campuchia, Thái Lan, Miến Điện, sang tận Mã Lai, Philippin, Nam Dương và Ấn Độ …

Tại Việt Nam, bình vôi được tôn kính là Ông; Ông Vôi hoặc Ông Bình Vôi - được coi như một vị thần, được giữ gìn tôn trọng, để ở khay, ô, tráp, hộp, quả hộp, hay cơi cau trầu trên sập gụ hay trên bàn kê giữa nhà. Chiếc khay cũng được bảo trọng, thường được làm bằng gỗ quý chạm trổ hoặc cẩn xà cừ, cẩn ngà. Đi đôi với bộ khay cau trầu vôi trên sập gụ hay trên bàn, là một ống nhổ bằng đồng thau để dưới chân sập chân bàn, dùng đựng nước trầu và bã trầu.

Tuy được tôn kính bảo trọng nhưng bình vôi không được để trên bàn thờ tổ tiên hoặc trên hương án, không để trên bàn thờ Thành hoàng hay Tổ đình, cũng không được để trên bàn Phật. Bình vôi có vị trí quan trọng nhưng chỉ trong phạm vi gia đình - như Ông Táo, Vua Bếp - liên bệ đến những sinh hoạt trong nhà.

Hình ảnh những chiếc bình vôi đã không còn trong mỗi gia đình hay ở gốc thị, gốc đa đầu làng; thế nhưng, mỗi khi thấy lại hình ảnh của nó, chúng ta không thể nào quên được trong đám cưới, đám hỏi ngày xưa, các bà, các bác xúm lại bổ cau, quệt vôi, têm trầu bên cạnh chiếc bình vôi giữa những câu chuyện râm ran và tiếng cười giòn giã. Hình ảnh đậm nét quê nhà đó đã đi vào hoài niệm của biết bao thế hệ người Việt Nam.