Trong khuôn viên Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du (xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân) còn lưu giữ một tấm bia đá (KT: 1.18m x 0.7m), mặc dầu không còn được nguyên vẹn nhưng những dòng chữ trên mặt bia và lạc khoản vẫn còn rõ nét...

 

Bia cầu Tiên


Trong cuốn Nghi Xuân địa chí của Đông hồ Lê Văn Diễn ghi: Cầu Tiên ở xã Tiên Điền, nằm về phía Tây Nam khu vườn dòng họ Nguyễn Tiên Điền (nay là Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du). Đây là nơi các dòng nước ở mọi hướng đều đổ về đây hội tụ lại rồi theo hướng đông chảy ra biển. Ban đầu cầu chỉ được làm qua loa, đơn giản bằng những cây gỗ nhỏ để nhân dân đi lại. Nhưng đến mùa mưa bão nước lớn, gây khó khăn cho nhân dân trong việc đi lại vì thế Nguyễn Nghiễm cùng Đặng tri phủ (Liễu quận công - Đặng Sỹ Vinh) và Đặng hiến phó  (Đặng Thái Bàng) ở làng Uy Viễn sửa lại. Thời đó ngựa xe mũ lọng đi lại như mắc cửi. Cảnh trí không khác gì Ngõ Kiều nhà Đường. Cầu được hoàn thành vào thượng tuần tháng 3 năm Canh Thân (1740) niên hiệu Cảnh Hưng thời Lê.


Nguyễn Nghiễm đã soạn bài ký, dựng bia bên cầu Tiên. Bia được làm bằng đá thanh, kích thước không lớn ( 1,18m x 0,7m). Năm Mậu Tuất (1838) dưới triều vua Minh Mạng nhân dân thôn Lương Năng xây dựng lại bằng đá.


Nội dung bia cầu Tiên

TIÊN KIỀU BI KÝ


Bắc cầu giúp người qua sông là việc chân chính. Cầu Tiên là nơi các dòng nước mọi nơi đều hội lại, vì phía bắc núi Hồng Lĩnh, suốt cả huyện Nghi Xuân, nước ở bất cứ mảnh đầm tấc suối nào đều theo hướng đông chảy về Bể. Vào khoảng cuối Thu đầu Đông, ở đây nước dồn về đầy rẫy, người đi lại than phiền vì nỗi khó khăn vất vả. Từ trước người làng đã có bắc cầu tại đây, song làm qua loa cẩu thả, sửa xong lại hỏng ngay. Tôi cùng vài vị đồng huyện là Tri phủ Thiệu Thiên, án sát Sơn Nam ngẫu nhiên bàn đến việc ấy, không ngại tốn phí, xuất tiền mua gỗ thuê thợ làm gần 10 ngày thì hoàn thành. Cầu bắc xong mọi người qua lại được tiện. Không dám nói đến việc làm ơn mà chỉ suy rộng ý nghĩ của người xưa giúp người qua sông Trăn sông Vĩ đó thôi. Vậy có bài ký để lại.


Thượng tuần tháng 3 năm Canh Thân niên hiệu Cảnh Hưng thời Lê


Nhị giáp Tiến sĩ khoa Tân Hợi (1731) Thanh hình hiến sát xứ Thanh Hoá là Nguyễn Nghiễm tên chữ là Hy Tư, người Tiên Điền soạn.
Hoành tứ thị nội văn chức Hiến sát phó sứ xứ Sơn Nam là Đặng…, người làng Uy Viễn cùng làm việc bắc cầu.


Thi nội văn chức giám sinh Nguyễn Trọng người Tiên Điền và nho sinh trúng thức Đặng Duy Phiên người Uy Viễn cùng giám đốc việc bắc cầu.


Hiện cầu Tiên không còn nữa. Bia cầu Tiên được chuyển về dựng trong khuôn viên Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du.