Khẳng định việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, “đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội và con người trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế”, Đảng ta nhấn mạnh văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế xã hội, bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt với phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội, đồng thời tiếp thu có chọn lọc những giá trị tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu thêm giá trị văn hóa vốn có của dân tộc.
1. Văn hóa và giá trị văn hóa
Mỗi dân tộc trên thế giới, không phân biệt chủng tộc, màu da, thể chế chính trị đều có những hệ thống giá trị văn hóa tinh thần truyền thống của riêng mình. Một số học giả quan niệm rằng, sự phát triển của các giá trị, và sự hội nhập của chúng, tạo ra một nền văn hóa đặc sắc và phong phú trong lịch sử và vì thế phụ thuộc vào kinh nghiệm và sức sáng tạo của nhiều thế hệ. Truyền thống văn hóa phản ánh thành tựu con người tích tập được trong quá trình tìm hiểu, thực hiện và truyền bá ý nghĩa sâu lắng nhất của cuộc sống. Giá trị văn hóa truyền thống là những gì tốt đẹp thuộc về tư tưởng, chuẩn mực đạo đức, ứng xử, phong tục, tập quán, sáng tạo văn học nghệ thuật... được cộng đồng thừa nhận và bảo tồn, gìn giữ từ đời này sang đời khác… Những giá trị đó không phải nhất thành bất biến, trái lại, cùng với dòng chảy thời gian, nó luôn được bổ sung, bồi đắp những giá trị mới, thích ứng với sự biến đổi của cuộc sống, như nền tảng vững chắc để một dân tộc đi xa, hành trình cùng nhân loại.
Các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc hình thành gắn với điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam. Đó còn là kết quả của quá trình tiếp thu sáng tạo tinh hoa văn hóa của nhân loại. “Những giá trị văn hóa truyền thống vững bền của dân tộc Việt Nam là lòng yêu nước nồng nàn, ý thức cộng đồng sâu sắc, đạo lý thương người như thể thương thân, đức tính cần cù, vượt khó, sáng tạo trong lao động... Đó là nền tảng và sức mạnh tinh thần to lớn để nhân dân ta xây dựng một xã hội phát triển, tiến bộ, công bằng, nhân ái”(1).
2. Toàn cầu hóa (TCH) - xu thế tất yếu
Có rất nhiều định nghĩa về TCH. Tuy nhiên, có thể hiểu, TCH chính là quá trình tác động, ảnh hưởng lẫn nhau giữa các sản phẩm tinh thần và vật chất của các quốc gia khác nhau, tạo nên một giá trị hoặc hệ thống giá trị chung, có tính phổ quát mang tính toàn cầu.
TCH mang đến cho các quốc gia những giá trị văn minh có tính phổ quát của nhân loại, với các nước kém phát triển thì góp phần giúp nâng cao trình độ văn minh, làm hiện đại hóa nền văn hóa. Đồng thời cũng chính TCH đưa văn hóa các dân tộc khỏi biên giới, giới thiệu và khẳng định những nét bản địa không trộn lẫn, làm phong phú nền văn hóa thế giới. Ngày nay, khi mà xa lộ internet đã xóa bỏ mọi giới hạn về không gian địa lý, việc đưa những tác phẩm văn học, nghệ thuật, di sản văn hóa... lên mạng và số hóa đã là một phương thức mà các quốc gia triệt để sử dụng.
TCH thúc đẩy và hình thành nền kinh tế tri thức, góp phần hình thành lối sống văn minh hiện đại. Điều này thấy rất rõ qua sự phát triển của nhiều con rồng châu Á như Nhật Bản (đi lên từ một đất nước mà nguồn tài nguyên gần như không có gì,đất nước đổ nát, kiệt quệ sau chiến tranh), Singapore (sau khi tách ra từMalaysia)... Trung Quốc sau năm 1979 (đã tận dụng TCH triệt để phát triển kinh tế; GDP bình quân của nước này các năm 1981-1990 là 9,8%, tới các năm 1990-1995 đã là 12%, hiện nay đang đứng đầu thế giới về tăng trưởng kinh tế (2).
Một điều hiển nhiên là phát triển kinh tế- thương mại kéo theo sự tập trung ngày càng tăng của dân cư làm thuê và tự do ở các đô thị. Vào năm 1800, dân số đô thị thế giới chỉ vào khoảng dưới 30 triệu người (dưới 3%), năm 1900 là 130 triệu (13,6 %) nhưng năm 1950 là 700 triệu và tới năm 1970 lên tới 1,3 tỷ người (38,6 %). Số lượng thành phố triệu dân (gồm nhiều các trung tâm giáo dục và văn hóa đại chúng) đã tăng đặc biệt nhanh chóng, tới 10 lần vào năm 1975. Các nước có tỷ trọng đô thị cao và văn minh hiện đại là Mỹ, Tây Đức, Nhật Bản (3)... Kinh tế phát triển là điều kiện để các quốc gia quan tâm, chăm lo đầu tư hạ tầng cơ sở: đường sá, quỹ nhà đô thị, các công trình phúc lợi (công viên, thư viện, bảo tàng, sân vận động, rạp hát); điều kiện chăm sóc chữa bệnh với các trang thiết bị tốt, phát triển giáo dục, dạy nghề... là những ưu việt mà TCH mang lại cho người dân. Nhiều nước Bắc Âu có chính bảo vệ môi trường hợp lý, bền vững, có chính sách phúc lợi xã hội khá tốt như Phần Lan, Thụy Điển. Ý thức của người dân cũng tỷ lệ thuận với mức sống cao như về giữ gìn môi trường, vệ sinh công cộng, tự giác chấp hành pháp luật. Nhiều đô thị nổi tiếng xanh, sạch như Singapore xuất phát từ ý thức tự giác bảo vệ môi trường của người dân (ai đánh rơi mẩu rác xuống đường sẽ bị phạt 500 USD). Người dân Malaysia hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ bảo vệ các công trình vệ sinh công cộng để phát triển du lịch.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, TCH cũng đặt ra cho các quốc gia nhiều thách thức. Với các nước kém hoặc đang phát triển, nguy cơ lệ thuộc về kinh tế, văn hóa, chính trị rất dễ diễn ra. Sự phân hóa giàu nghèo đang ngày một sâu sắc. Những nước lớn, giàu, có thế mạnh về công nghệ, kỹ thuật hiện đại đã chiếm ưu thế vượt trội, khiến cho những nước vốn nghèo, lại càng nghèo khi thua ngay trên sân nhà, để hàng hóa, dịch vụ các nước mạnh tấn công. Đã có luật chơi định trước cho kẻ mạnh, theo kiểu cá lớn nuốt cá bé. Đói ăn, bệnh tật, mù chữ... thực sự là những thảm họa với không ít các quốc gia kém phát triển. Người ta thống kê rằng, thế giới hiện có 1,2 tỷ người sống dưới 1 đô la /ngày, hơn 800 triệu người đói kinh niên, trên 113 triệu trẻ em không được đến trường; trong 4,4 tỷ người ở các nước phát triển, gần 3/5 sống thiếu phương tiện vệ sinh cơ bản, 1/4 không có nhà... 2 tỷ dân của nước nghèo đã bị bỏ lại đằng sau trong quá trình TCH. Trong khi đó, một nghịch lý là các nước thuộc thành viên Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) chỉ chiếm 19% dân số nhưng lại chiếm 71% thương mại toàn cầu về hàng hóa và dịch vụ. Hay như chuyện tài sản của 3 tỷ phú hàng đầu nhiều hơn GDP của tất cả các nước kém phát triển với hơn 600 triệu dân..."(4).
TCH đặt ra không ít những thách thức cho mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, trong đó có Việt Nam. Đó là nguy cơ phân hóa giàu nghèo sâu sắc, sự bất bình đẳng trong hưởng thụ văn hóa, nhân cách bị bào mòn, bản lĩnh dân tộc bị nhào nặn, bản sắc văn hóa dân tộc bị biến tướng, những mặt trái của lối sống ích kỷ, thực dụng, phi nhân tính hoành hành... Gần đây, những cuộc chiến tranh, xung đột giữa các quốc gia, dân tộc, tôn giáo nổ ra gay gắt có những nguyên nhân sâu xa từ sự xung đột của nền văn hóa, văn minh, của sự đối đầu quyết liệt về văn hóa. Có thể nói, với TCH, thế giới dường như không còn phân biệt rõ ràng biên giới, mà thế giới cởi mở và liên kết hơn, nhưng thế giới lại cũng dễ xảy ra xung đột hơn với các biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, tệ phân biệt chủng tộc và sự thiếu khoan dung.
Như vậy, tỉnh táo nhận thức những gì là tinh hoa văn hóa nhân loại, những gì là phản giá trị, nỗ lực gạn đục, khơi trong, để các dân tộc vững bước trên con đường hội nhập sâu rộng là điều vô cùng cần thiết. Hơn bao giờ hết, trên chuyến tàu tăng tốc của TK XXI này, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều ý thức được việc kế thừa và phát huy giá trị văn hóa truyền thống có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, nếu không muốn nói là sống còn, quyết định sự phát triển bền vững của dân tộc, quốc gia đó, bên cạnh nhiều hành trang khác (nguồn nhân lực, trí tuệ, cơ chế chính sách, điều hành vĩ mô nhà nước...). Văn hóa không chỉ làm nên động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội mà còn là vấn đề chính trị và sự tồn vong của một đất nước. Kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc chính là tạo ra liều thuốc đề kháng hữu hiệu trước những phản văn hóa, phản giá trị từ bên ngoài.
3. Một số giải pháp chủ yếu
Để kế thừa và phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa tinh thần truyền thống Việt Nam trong bối cảnh TCH, chúng ta phải có quyết tâm cao với nhiều giải pháp đồng bộ, tiến hành thường xuyên, liên tục và bền bỉ.
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh theo các chuẩn mực chân, thiện, mỹ tiến bộ
Đẩy mạnh cuộc vận động giáo dục chủ nghĩa yêu nước gắn với thi đua yêu nước. Nghị quyết TW 5 khóa VIII, đã nhấn mạnh: "Giáo dục chủ nghĩa yêu nước phải gắn chặt với phong trào thi đua yêu nước và giáo dục về CNXH, về nhiệm vụ CNH, HĐH, đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu; làm cho mọi người thấm nhuần truyền thống lịch sử và cách mạng của dân tộc, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới"(5). Để phong trào này có hiệu quả sâu rộng, thiết thực, cần gắn với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.
Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong toàn xã hội, chú ý tới xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa. Chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, huy động mọi lực nhân dân và cả hệ thống chính trị, từ trong Đảng, cơ quan nhà nước, các đoàn thể xã hội. Đó là các phong trào người tốt việc tốt, uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình văn hóa và làng văn hóa, toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở các khu dân cư...
Có chính sách bảo tồn có hiệu quả các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; chú trọng khuyến khích năng lực lao động sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ.
Khuyến khích để người dân tham gia và là chủ thể các hoạt động văn hóa.Trong khi mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân vẫn còn chưa cao thì xã hội hóa các hoạt động văn hóa là rất cần thiết. Các cơ quan quản lý nhà nước cần có những định hướng, tuyên truyền sâu rộng về vấn đề này, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí do nhân dân đóng góp.
Đẩy mạnh giáo dục giá trị văn hóa truyền thống và cách mạng với các nội dung và các hình thức thích hợp
Để làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục giá trị văn hóa truyền thống và cách mạng cần có sự quan tâm sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhà trường, các tổ chức Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên, các tổ chức quần chúng; có những hình thức giáo dục sinh động, phù hợp với từng đối tượng ở các địa bàn (đô thị, nông thôn, đồng bằng, miền núi, hải đảo...). Chúng ta cũng cần sử dụng có hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng (báo chí, phát thanh, truyền hình, internet...), sách, các tác phẩm văn học nghệ thuật trong công tác tuyên truyền.
Chủ động phòng chống lối sống thực dụng, sự băng hoại đạo đức và các phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của dân tộc
Tiếp tục xây dựng chỉnh đốn Đảng và đẩy mạnh cải cách hành chính; công khai minh bạch việc kê tài sản của các cán bộ, công chức. Nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, nhất là việc thực hiện tốt quy chế của nhà nước về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội. Không có vùng cấm trong việc xử lý cán bộ vi phạm.
Đẩy mạnh cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức hồ Chí Minh sâu rộng trong toàn đảng, toàn quân và toàn dân. Phải xác định đây là cuộc vận động lâu dài, bền bỉ, không có kết thúc, có nhiều hình thức phong phú như: thi kể chuyện, đưa vào tiêu chí thi đua, bình xét hằng năm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân, trong từng tổ chức đảng... Cần phải tránh bệnh hình thức, qua loa, chiếu lệ, không thiết thực.
Nắm vững đặc điểm của văn hóa 54 dân tộc anh em, duy trì và phát huy những nét văn hóa riêng, tránh những lai tạp. Cần tập trung đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các đề án về phát triển văn hóa thông tin ở vùng Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thông tin cơ sở. Tiếp tục tổ chức tốt các ngày hội văn hóa các dân tộc.
Tôn vinh, biểu dương các gia đình văn hóa, các tổ chức, cá nhân có lối sống đẹp, có tinh thần bảo tồn và phát huy các giá trị tinh thần truyền thống. "Xây dựng gia đình văn hóa phải được coi là mục tiêu chiến lược quốc gia"(6).
Thanh tra, kiểm tra phòng chống và có chế tài xử lý nghiêm khắc các hiện tượng tiêu cực trong lĩnh vực văn hóa, hoạt động dịch vụ văn hóa nhất là ở quán bar, vũ trường, karaoke, dịch vụ băng đĩa, internet... Cần phối hợp thường xuyên giữa nhà trường, gia đình và xã hội, các tổ chức đoàn xã hội trong việc tuyên truyền giáo dục lối sống cho học sinh, thanh niên, sinh viên.
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về văn hóa
Chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về tầm quan trọng của di sản văn hóa, Luật Di sản văn hóa; quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, hướng đông đảo quần chúng tham gia vào các hoạt động bảo vệ di sản văn hóa theo hướng xã hội hóa sâu rộng. Đẩy mạnh công tác quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, nhằm đưa ra những giải pháp phù hợp, điều hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế, giữa bảo tồn di tích với các công trình mới.
Xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp quy về văn hóa, hoạt động văn hóa.
Nâng cao thiết chế văn hóa, tăng mức đầu tư cho văn hóa lên 2%. Mức hưởng thụ cho văn hóa hiện nay ở ta vẫn còn chênh lệch, còn thiếu những công trình văn hóa có tầm vóc. Đất nước đang thu được nhiều thành tựu trên lĩnh vực kinh tế nhưng nếu không có những sự quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho văn hóa sẽ tạo ra những chênh lệch giữa kinh tế và đời sống tinh thần và nguy cơ tụt hậu về văn hóa là có thật.
Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những người làm cán bộ văn hóa, đội ngũ văn nghệ sĩ, vì trình độ đông đảo đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa xã, phường còn rất thấp, hầu hết là cán bộ kiêm nhiệm, bộ đội phục viên. Đấy là chưa nói đến chế độ cho họ cũng còn thấp. Bên cạnh đó, cũng phải có những cơ chế chính sách thích hợp để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ, những tài năng nghệ thuật, xây dựng thành một đội ngũ hùng mạnh, có cánh chim đầu đàn.
Mở rộng giao lưu quốc tế, chủ động tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới
Thời gian qua, việc giao lưu văn hóa đã được mở rộng chưa từng có theo hàng trăm ngả khác nhau: inetrnet, giao thông (đường không, đường bộ, đường thủy, cửa khẩu); qua ti vi, báo chí, băng hình...; phim ảnh, sách báo..., giao lưu. Theo chúng tôi, việc tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại phải được trải qua quá trình kiểm nghiệm, thử thách của năm tháng, bởi vì không phải bất cứ cái hay, cái đẹp nào của nhân loại cũng thích ứng ngay hoặc phù hợp với truyền thống, phong tục Việt Nam. Vả lại, văn hóa nhân loại vô cùng rộng lớn, chúng ta không thể có tham vọng tiếp thu được hết , nên chăng cần tuyển lựa những cái gì phù hợp. Trước mắt, nên chăng cần chú ý tới các nền văn hóa Đông Nam Á, sau đó là các nước Tây Âu (đặc biệt là Pháp - nước để lại nhiều dấu ấn văn hóa ở nước ta) và Mỹ. Chúng ta tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại nhưng không bắt chước một cách máy móc, thô thiển, rập khuôn, vơ đũa cả nắm mà phải linh hoạt, sáng tạo, cải biến chúng thành những giá trị văn hóa mới của Việt Nam.
Chúng ta cũng cần chú ý tới văn hóa của cộng đồng người Việt ở nước ngoài - một bộ phận không thể tách rời của đất nước. Một mặt họ vừa có nhu cầu bảo tồn giá trị tinh thần truyền thống Việt Nam, mặt khác họ cũng là cầu nối văn hóa Việt ra thế giới. Người Việt xa xứ vẫn lưu giữ nhiều phong tục tập quán Việt nam từ ngôn ngữ, cách thức đón tết, tình cảm gia đình... Tại một số nơi như Ucraina, người Việt làm ăn và sinh sống ở đây còn xây dựng chùa Việt để thỏa mãn nhu cầu tâm linh cội nguồn.
Hơn nữa, chúng ta cũng phải có một chiến dịch thực sự để quảng bá văn hóa Việt Nam. Trong khi nhiều nước châu Âu đã có trung tâm văn hóa tại Việt Nam thì tại châu Âu chúng ta mới có Trung tâm văn hóa tại Pháp. Hiện nay chúng ta vẫn còn thiếu chủ động và thiếu các nguồn lực để mở rộng giao lưu. Không chỉ cần hiểu thế giới mà cần phải làm cho thế giới hiểu ta hơn vì ở một số nước, người ta vẫn chưa biết và nếu có biết thì cũng chưa hiểu đúng về Việt Nam. Chúng ta cần tuyên truyền nổi bật cốt cách tâm hồn con người Việt Nam vừa anh hùng, vừa nghệ sĩ, như nhận xét của GS Vũ Khiêu: “Là anh hùng, con người Việt Nam chiến đấu kiên cường, bất khuất để tồn tại và phát triển lại là con người mang những phẩm chất tuyệt vời của chủ nghĩa nhân đạo, đó là tình thương bao la đối với cả nhân loại và thái độ cao thượng và bao dung đới với quân thù. Là nghệ sĩ, con người Việt Nam bộc lộ một tâm hồn tế nhị và tinh vi ở câu ca, điệu hát, bức họa, bài thơ, và cả ở khía cạnh thẩm mỹ trong sinh hoạt ăn, mặc, ở hàng ngày”(7).
Chú thích:
1. Đảng CSVN, Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị khóa VII ngày 18-2-1995 về một số định hướng lớn trong công tác tư tưởng hiện nay, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.56.
2. Lê Hữu Nghĩa, Lê Ngọc Tòng (đồng chủ biên), Toàn cầu hóa, những vấn đề lý luận và thực tiễn, NxbChính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.316.
3, 4. Đỗ Minh Hợp, Nguyễn Kim Lai, Những vấn đề toàn cầu trong thời đại ngày nay, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr.177, 350.
5. Đảng CSVN, Văn kiện hội nghị lần thứ 5 BCH TW khóa VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tr70-71.
6. Bộ VHTTDL, Kỷ yếu Hội nghị triển khai công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2008, Hà Nội, 2008, tr.73.
7. Vũ Khiêu, Vấn đề quảng bá văn hóa dân tộc Việt Nam trong giao lưu văn hóa ngày nay, Tham luận tại hội thảo tháng 10-2006, do Trung tâm Bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân tộc tổ chức.