Đã gần một năm kể từ khi phát lộ, nghiên cứu và xác định rõ loại hình nhưng đến nay phương án bảo tồn khu di tích tâm linh đặc biệt thời Lý tại lô E (18 Hoàng Diệu - Hà Nội) vẫn mới chỉ là “tạm thời lấp cát để bảo vệ”. Trong khi đó, theo một số nhà nghiên cứu lịch sử, khảo cổ, hiện khu di tích tâm linh đặc biệt này đang phải đối diện với nhiều nguy cơ.
Di tích nhìn từ hướng nam
Đây là di tích tế lễ Trời-Đất của các Hoàng đế đầu thời Lý
Theo thông tin mới nhất, ngày 10.11, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc báo cáo niên đại, tên gọi, giá trị phương án bảo tồn di tích tâm linh đặc biệt thời Lý ở lô E. Vị trí của di tích nằm tại lô E thuộc khu vực trung tâm (vùng lõi) của Hoàng thành Thăng Long thời Lý-Trần-Lê.
Và di tích này nằm cùng trục, cùng phương vị Bắc-Nam với kiến trúc Bát Giác ở phía Bắc tạo thành một trục trung tâm trong tổng thể cụm kiến trúc đặc biệt thời Lý ở các khu A-B-C-D-E thuộc khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long ở phía Tây của điện Kính Thiên. Căn cứ vào tầng văn hóa, cấu trúc di tích, vật liệu xây dựng, kỹ thuật xây dựng và di vật, các nhà khoa học đã nhất trí di tích có niên đại đầu triều Lý (đầu thế kỷ 11).
Lần đầu tiên kể từ khi được phát lộ dấu tích và sau nhiều cuộc trao đổi, hội thảo, thảo luận vị trí, kiến trúc, di vật, đối sánh với các di tích đã nghiên cứu ở Thăng Long-Hà Nội như đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc ở VN và các nước khác, bước đầu các nhà khoa học trong, ngoài nước thống nhất đề nghị tên gọi di tích: Di tích tế lễ Trời-Đất của các Hoàng đế đầu thời Lý.
Về mặt giá trị, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN cho rằng đàn tế Trời là một trong những nơi tế lễ quan trọng bậc nhất của nhà nước quân chủ phương Đông. Đó là nơi thể hiện quyền làm chủ chính đáng của Hoàng đế, nơi Hoàng đế thụ mệnh Trời xây dựng đất nước, nơi Hoàng đế tế Trời cầu mong cho sự trường tồn của đất nước. “Phát hiện di tích lễ tế Trời Đất của Hoàng đế đầu thời Lý là phát hiện một di tích văn hóa tâm linh Việt Nam sớm nhất của kinh đô Thăng Long nói riêng, Việt Nam nói chung”, văn bản nhấn mạnh.
Theo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN, hiện di sản này “đang đặt ra nhiều vấn đề cần sự quan tâm trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành liên quan. Nếu không có sự quan tâm chỉ đạo kiên quyết, tập trung thì di sản Thế giới có tầm quan trọng hàng đầu của đất nước sẽ có thể ngày càng rơi vào tình trạng manh mún, xuống cấp, không thể phát huy giá trị, và ngày càng có nguy cơ không thể đảm bảo được các tiêu chí nổi bật toàn cầu của một di sản thế giới”.
Đề nghị bảo tồn nguyên trạng
Những tháng qua, dư luận rất quan tâm đến phương án bảo tồn cấp thiết và bảo tồn lâu dài đối với di tích có giá trị đặc biệt quan trọng này, bởi theo nhiều chuyên gia nếu không có các giải pháp khoa học thì khó có thể bảo quản được di tích kiến trúc gỗ nơi đây, và không cẩn thận nó sẽ bị teo, nứt, thậm chí bị mủn.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN (cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao làm chủ trì nghiên cứu đề xuất phương án bảo tồn - P.V) cũng chỉ mới đề nghị Thủ tướng Chính phủ “trước mắt cho phép bảo tồn nguyên trạng di tích tế lễ Trời-Đất của các Hoàng đế đầu thời Lý trong phạm vi tối thiểu còn khoảng 400m2 (không tính diện tích có thể sẽ khai quật thêm ở phía Tây Bắc của di tích)”. Bước tiếp theo các chuyên gia trong và ngoài nước sẽ nghiên cứu đề xuất phương án bảo tồn di tích.
Cụ thể hơn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN cho biết trong khi chờ đợi các phương án bảo tồn khả thi, Viện Khảo cổ học sẽ tạm thời lấp đất che phủ hết cọc gỗ của di tích (hiện nay đã tiến hành lấp cát và khoanh vùng bảo vệ di tích-P.V). Đồng thời để đảm bảo tiến độ xây dựng ga ra đỗ xe, “đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo Ban quản lý xây dựng Nhà Quốc hội mới nghiên cứu các giải pháp thi công đường hầm và ga ra đỗ xe ngầm Nhà Quốc hội sao cho bảo vệ tuyệt đối an toàn di tích”.
Cũng theo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN, hiện nay việc kè cừ sâu 4m trong khi tường vây ga ra sâu 14-19m trong điều kiện áp sát di tích là rất khó có thể bảo đảm nguyên trạng di tích. Do đó, các giải pháp thi công cần được các bên chuyên môn và quản lý liên quan thẩm định. Mọi việc thi công chỉ nên được tiến hành ngoài vùng lõi và tuân thủ nghiêm sự hướng dẫn của Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL), Viện Khảo cổ học… tránh tình trạng việc thi công vừa qua đã làm xâm hại khá mạnh tính nguyên trạng của di tích.
Cũng trong văn bản này, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo UBND thành phố HN và các Bộ, ngành liên quan tiếp tục khai quật mở rộng kiến trúc tâm với diện tích khoảng 200m2 nhằm làm rõ kết cấu mặt bằng tổng thể của kiến trúc; khai quật mở rộng kiến trúc Bát Giác về phía Nam và phía Đông với diện tích khoảng 500m2 nhằm bộc lộ toàn bộ kết cấu mặt bằng kiến trúc Bát Giác và xem xét bảo tồn nguyên trạng tại chỗ di tích Bát Giác thời Lý nằm thẳng trục với di tích tâm linh đàn tế Trời…