Ban quản lý di tích Nguyễn Du đón nhận bằng công nhận xác lập 5 kỷ lục về truyện Kiều
Kỷ niệm 247 năm năm sinh đại thi hào Nguyễn Du (Dự kiến diễn ra vào tháng 12 năm 2012), cùng với nhiều hoạt động được tổ chức như đón nhận bằng Di tích quốc gia đặc biệt, công bố quy hoạch chi tiết Khu văn hóa Du lịch Nguyễn Du... Ban quản lý Di tích Nguyễn Du sẽ được đón bằng công nhận xác lập 5 kỷ lục Việt Nam về Truyện Kiều do Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao tặng.
Thúy Kiều và Kim Trọng
Những kỷ lục đó là:
1. Truyện Kiều - Thi phẩm duy nhất chắp nhặt những câu thơ thành nhiều bài thơ mới.
Truyện Kiều là thi phẩm duy nhất có được hiện tượng chắp nhặt những câu thơ ở các chỗ khác nhau để thành nhiều bài thơ mới, gọi là hiện tượng Tập Kiều. Cơ sở để minh chứng điều này là quyển “Tập Kiều - một thú chơi tao nhã (1994)” đã được tái bản tới 5 lần và về sau với nhan đề “Thú chơi tập Kiều”... Đây là hiện tượng cần ghi nhận đậm nét không chỉ trong lịch sử văn học nước ta mà cả trên văn đàn thế giới.
2. Truyện Kiều - Thi phẩm dài có nhiều bản dịch nhất ra cùng một ngoại ngữ.
Truyện Kiều là thi phẩm dài có nhiều bản dịch nhất ra cùng một ngoại ngữ. Có tới 10 bản dịch khác nhau ra tiếng Pháp thành thơ tự do, thể Alexandrins (thơ 12 chân) hoặc văn xuôi, từ Abel des Michels (2 tập) in tại Paris 1884 - 1885 đến bản Thu Giang (Paris 1915), René Crayssac và Léon Masse (Hà Nội 1926), hoặc bản của Nguyễn Văn Vĩnh thực hiện trong 28 năm (Hà Nội 1942) và của Nguyễn Khắc Viện, Xuân Phúc - Xuân Việt, Lê Cao Phan, Lưu Hoài…
3. Truyện Kiều - Thi phẩm có nhiều người viết phần tiếp theo nhất.
Truyện Kiều là thi phẩm có nhiều người viết về phần tiếp theo nhất mà đặc điểm nổi bật là tất cả đều viết bằng thơ.
4. Truyện Kiều - Thi phẩm duy nhất đọc ngược từ cuối lên đầu về cuộc đời nàng Kiều theo chiều thời gian ngược.
Truyện Kiều là thi phẩm duy nhất mà người ta có thể đọc ngược từ cuối lên đến đầu để câu chuyện về nàng Kiều (đúng như nội dung trong tác phẩm của Nguyễn Du) diễn ra theo chiều của thời gian ngược lại như ta được xem một cuốn phim “tua” ngược chiều.
5. Truyện Kiều - Thi phẩm duy nhất tạo ra loại hình văn hóa Kiều.
Truyện Kiều là thi phẩm duy nhất tạo ra quanh nó cả một loạt những loại hình văn hóa - gọi là Văn hóa Kiều - với các hình thức thật phong phú như: bình Kiều, vịnh Kiều, bói Kiều, tập Kiều, đố Kiều, câu đối Kiều, hát nói tập Kiều, phú - văn tế Kiều, án Kim Vân Kiều, giai thoại quanh Truyện Kiều…