Ngày 1.11, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức kỷ niệm 20 năm Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Không chỉ là một món quà độc đáo của thiên nhiên ban tặng, vẻ đẹp cũng như sức hút của Vịnh Hạ Long biểu trưng cho sự thành công trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở VN.

 

Ngày 17.12.1994, Vịnh Hạ Long đã chính thức được UNESCO ghi danh trở thành Di sản thiên nhiên thế giới. Sau Cố đô Huế, Vịnh Hạ Long là Di sản thế giới thứ hai và là Di sản thiên nhiên thế giới đầu tiên của VN được UNESCO công nhận. Từ đó đến nay, đã 20 năm trôi qua, Vịnh Hạ Long vẫn luôn là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

 

Chỉ tính từ 1996 đến nay, Vịnh Hạ Long đã đón 28,8 triệu lượt khách, doanh thu từ phí tham quan khoảng 1.400 tỉ đồng. Phát biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, được tổ chức tại Quảng trường 30.10, TP Hạ Long, Quảng Ninh tối 1.11, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN khẳng định: “Với 1969 hòn đảo, mỗi hòn đảo là một bất ngờ, một khám phá…, đó chính là nét đặc trưng, hấp dẫn của Vịnh Hạ Long”.

 

Hơn thế, năm 2000 Vịnh Hạ Long tiếp tục được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ hai về giá trị địa chất, địa mạo và năm 2012 Vịnh Hạ Long chính thức trở thành một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Sức hấp dẫn của Vịnh Hạ Long mỗi năm mỗi tăng, nếu khi mới được UNESCO công nhận chỉ mới có khoảng vài chục nghìn lượt khách thì đến năm 2013, Vịnh Hạ Long đã thu hút trên 2 triệu lượt khách với nguồn thu bán vé đạt tới 200 tỉđồng.

 

Nhìn lại chặng đường 20 năm Vịnh Hạ Long được UNESCO vinh danh, bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại VN cho biết: “Vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long không chỉ biểu trưng cho sự thành công của việc bảo tồn và phát huy di sản thiên nhiên và văn hóa ở VN và trên thế giới mà còn là ví dụ hoàn hảo của hệ đa dạng sinh học độc đáo và quý báu được gìn giữ ở VN”.

 

Trước hết cần phải ghi nhận sự thành công về công tác quản lý Vịnh Hạ Long trong vòng 20 năm qua. Ngay sau khi được UNESCO công nhận, tháng 11.1995 UBND tỉnh Quảng Ninh đã sớm ban hành Quy chế tạm thời quản lý Vịnh Hạ Long và đến ngày 9.12.1995 Ban quản lý Vịnh Hạ Long chính thức được thành lập.

 

Ngày 21.10.2002, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Vịnh Hạ Long đến năm 2020. Kể từ đó, một số quy hoạch chi tiết và nhiều dự án đã được triển khai thực hiện như: Quy hoạch chi tiết bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới Vịnh Hạ Long; quy hoạch chi tiết Khu giới thiệu tài nguyên động, thực vật Vịnh Hạ Long trên đảo Soi Sim; Dự án cải tạo nâng cấp hạ tầng cơ sở hang Sửng Sốt…

 

Bà Phạm Thùy Dương, Trưởng Ban quản lý Vịnh Hạ Long cho biết: “Sau 20 năm đánh giá và tổng kết lại sẽ là một bước ngoặt, chuyển hướng mới cho Vịnh Hạ Long, mạnh mẽ và đầy nội lực. Hơn lúc nào hết cần có những văn bản quy định về quản lý Vịnh Hạ Long ở cấp quốc gia đủ mạnh để ứng xử với một Di sản, kỳ quan đặc biệt như Vịnh Hạ Long”.

 

Dù vậy, hiện nay công tác bảo tồn và phát huy giá trị Vịnh Hạ Long vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ. Đơn cử như nhiều năm trở lại đây, UNESCO luôn đưa ra những khuyến nghị đối với Vịnh Hạ Long tại các kỳ họp lần thứ 33, 35, 37 đề nghị VN giải trình về những vấn đề liên quan đến tác động của du lịch, tác động của làng chài Cửa Vạn hay việc nuôi trồng thủy sản trong và xung quanh Vịnh…

 

Mối quan hệ giữa quản lý công và nhượng quyền khai thác thương mại cho các doanh nghiệp cũng đặt ra những quyết sách không dễ đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long. Việc mở rộng ranh giới Vịnh Hạ Long cũng đặt ra những bài toán cần thận trọng. Bởi phần Vịnh Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh được cho là rộng 1.553km2 với 1969 hòn đảo nhưng diện tích Vịnh Hạ Long được UNESCO vinh danh chỉ có 434km2 với 775 hòn đảo.

 

Cũng trong dịp lễ kỷ niệm 20 năm ngày Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL đã kiến nghị định vị Vịnh Hạ Long là thương hiệu du lịch quốc gia, đại diện cho du lịch VN… Tất cả đang đặt ra trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long những thách thức cần cẩn trọng mà nói như bà Katherine Muller Marin: “Chúng tôi muốn Vịnh Hạ Long hấp dẫn hơn 500 năm nữa”.