Nhân sự kiện ngày 25-10-2013 kỳ họp thứ 37 Đại hội đồng UNESCO đã chọn đại thi hào dân tộc Nguyễn Du (1765 – 1820) là nhân vật văn hóa được thế giới vinh danh, nhân kỷ niệm 250 năm, ngày sinh vào năm Ất Mùi này, nhạc sĩ Vũ Đình Ân mong muốm kết hợp với các trường học để dàn dựng hợp xướng Truyện Kiều, tác phẩm đã giúp ông có được bằng tiến sĩ âm nhạc từ trường đại học World Records University (Ấn Độ)
Vũ Đình Ân chỉ huy dàn hợp xướng Truyện Kiều
1.Hòa đồng xã hội bằng hòa thanh âm nhạc.
Sinh ra từ mảnh đất miền Trung. Năm 11 tuổi Vũ Đình Ân theo Cha mẹ vào Sài Gòn. Đậu tú tài phần II năm 1974 rồi vào Đại Học Luật Khoa. Tốt nghiệp trường nhạc Công Giáo (1986-1990) khoa Chỉ Huy Sáng Tác. Làm chủ nhiệm câu lạc bộ hợp xướng TTVH quận Tân Bình từ năm 1990 đến nay.
Nếu theo sát đời sống âm nhạc TP.HCM những thập niên gần đây, có thể thấy, ở đâu có hợp xướng, ở đó có Vũ Đình Ân! Liên hoan hợp xướng TP. HCM 1999 có 15 tác phẩm tham dự thì 14 trong số đó, Vũ Đình Ân là người viết hòa âm. Và tác giả hòa âm Vũ Đình Ân lại trực tiếp dàn dựng tới 7 trong số 14 tác phẩm hòa âm của mình. Cơn say hợp xướng đã khiến Vũ Đình Ân liều mình bỏ tiền túi để thực hiện tại trung tâm nhạc Trẻ CD Đất nước gồm 10 ca khúc cách mạng được ông phối thành hợp xướng. Từ tráng ca như Đường chúng ta đi (Huy Du – Xuân Sách ) đến tình ca như Nhớ về Hà Nội (Hoàng Hiệp) đều được hình thức hợp xướng nâng cao hơn tính chất hùng tráng hay trữ tình. Số tiền thực hiện CD này không lấy lại được. Nhưng cái được là được cho đời sống âm nhạc TP.HCM những năm sau giải phóng một CD hợp xướng nhạc đỏ đầu tiên. Và được cho giới thưởng ngoạn sành điệu vẻ đẹp đồng ca đang có nguy cơ mai một trong xu thế âm nhạc thực dụng, xé lẻ hình thực ca diễn để dễ rút vào các giấc mơ ngôi sao, các phòng trà ca nhạc, các phòng lạnh karaoke…Bước khởi đầu trên đã tạo niềm tin để Vũ Đình Ân quyết tâm xây dựng hợp xướng do chính ông sáng tác. Ông đã bỏ ra 22 tháng để viết 175 trang nhạc (70 phút diễn) cho hợp xướng 3 chương mang tên Truyện Kiều sử dụng nguyên văn 418 câu chọn trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Không có tiền bạc để thuê ca sĩ và phòng tập, Vũ Đình Ân gõ của các giáo xứ. Nhiều nhà thờ cho mượn ca đoàn, nhà thờ Đắc Lộ trên đường Cách mạng tháng Tám đồng ý cho mượn nhà nguyện để luyện tập. Chỉ có một nhà nguyện mà những bốn bè hợp xướng. Vậy là có bè phải ra tập ngoài sân, dưới chân tượng Đức Mẹ. Và mỗi chiều chủ nhật, trong mái vòm giáo đường lại vang lên những câu lục bát đậm màu Phật giáo. Với những đóng góp như thế Vũ Đình Ân được Hội nhạc sĩ Việt Nam trao giải thưởng thể loại hợp xướng năm 1999 và được Bộ Văn hóa - Thông tin tặng huy chương Vì sự nghiệp văn hoá.
2.Để văn học và âm nhạc giao duyên
Người viết bài đã nhiều lần nghe hợp xướng Truyện Kiều của Vũ Đình Ân, nghe những câu thơ Đông phương, được hát lên trong hòa âm của một hình thực diễn xướng Tây phương và nhận ra những câu lục bát được âm nhạc phân nhịp lại, được nhấn nhá theo một hình thức mới, được xướng, được xô, được hát đuổi bằng dàn hợp xướng 4 bè. Những chữ thần nhãn tự văn học khi vào cao trào âm nhạc bỗng trở nên sâu sắc hơn nhờ sức ngân trường độ và bề dày hòa âm. Những câu thơ chỉ tượng thanh đã hóa thân vào âm thanh. “Bất bình nổi trận đùng đùng sấm vang” đã vang thành cao trào bằng tính hoành tráng của hình tượng âm nhạc vào lúc 100 ca sĩ cùng cộng thanh và các nhạc công bộ gõ dồn nhịp trống. Trong hợp xướng, hình tượng Từ Hải hiện ra lớn hơn những ước số có tính cường điệu vai năm tấc rộng thân mười thước cao. Những kích tấc chỉ là ẩn dụ, lúc nay có thể đo được bằng tần số âm thanh. Phức điệu vốn là thế mạnh của âm nhạc, và chính Nguyễn Du đã mượn thế mạnh này khi dùng tiếng đàn mô ta sự đa thanh của một tình huống, một tâm trạng. Đó là cơn mưa nhuần niềm vui tình ái, trong như tiếng hạc bay qua, đục như nước suối mới sa nửa vời/ tiếng thưa như gió thỏang ngoài/ tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa. Và cũng là cơn mưa thầm của những giọt nước mắt nghịch chiều, cùng trong một tiếng tơ đồng/ người ngoài cười nụ người trong khóc thầm. N.S Vũ Đình Ân đã để phức điệu âm nhạc tìm tới sự phức hợp tâm lí nhân vật trong Truyện Kiều. Đó là khi dàn hợp xướng kể chuyện đòn ngầm đánh ghen của Hoạn Thư nhằm vào Thúy Kiều tạo tình huống ngoài – trong, cười nụ - khóc thầm. Cơn mưa thầm của những giọt nước mắt được Vũ Đình Ân kết nối thành giai điệu giàu kịch tính, để cười nụ và khóc thầm va đập, tạo thành cơn sóng ghen, biến xung khắc vốn uất nghẹn trong tác phẩm văn học, vỡ ra thành cao trào âm nhạc 4 giọng hòa âm nghịch. Văn học, âm nhạc, vũ đạo đã giao duyên trong hợp xướng Truyện Kiều. Bằng âm nhạc (và vũ đạo minh họa) N.S Vũ Đình Ân đã tạo một truyện Kiều của mình, để làm giàu đời sống âm nhạc hôm nay, từ một di sản văn hóa xưa. Chính cố gắng nhạc hóa di sản văn chương dân tộc, tạo sức sống mới cho những di sản ấy (sau hợp xướng Truyện Kiều là hợp xướng Lục Vân Tiên, rồi tới Chinh phu ngâm và mới nhất là Cung ngoán ngâm) đã giúp Vũ Đình Ân được trung tậm kỉ lục Việt Nam cấp bằng chứng nhận “người viết hợp xướng Truyện Kiều dài nhất Việt Nam”
3. Đỉnh cao chuyên nghiệp và nền tảng phong trào
Vũ Đình Ân là người cùng với các đồng nghiệp khác, duy trì chương trình Ca khúc mới mang tính khắp nơi ca hát, mỗi tháng một kì diễn ra tại nhà văn hóa thanh niên TP.HCM. Vũ Đình Ân say mê tới với có phong trào ca hát, và ông tìm kiếm, phát hiện, xây dựng đỉnh cao từ chính nền tảng phong trào này. Có thề lấy đóng góp của Vũ Đình Ân với nhóm nhóm tứ ca AC&M là một thí dụ minh chứng. Với tay nghề hòa âm đã rất uy tín, theo yêu cầu của AC&M Vũ Đình Ân đã viết và phối âm bài Thằng Bờm bốn bè không nhạc đệm cho nhóm và đồng dao này đã thành hợp ca – hợp xướng mini được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt. Trong phim truyền hình nhiều tập về sự hình thành và phát triển của nhóm ca con trai này, Thằng Bờm của Vũ Đình Ân được trình chiếu nguyên vẹn. Với thành công của thử nghiệm này, thơ dân gian Đông phương đã được hòa âm kiểu Tây phương để thành hiện đại, thành tiết mục thanh nhạc đỉnh cao. Vũ Đình Ân cũng là ông bầu của đội văn nghệ đại học quốc tế Hồng Bàng, giải nhì liên hoan ca nhạc sinh viên toàn quốc 2008. Để tìm hiểu phong trào ca hát của học sinh PTTH, người viết bài đã từng theo sát Vũ Đình Ân trong quá trình ông xây dựng nhóm ca khúc Năm chiếc lá của quân Tân Bình. Từ 5 nữ sinh chưa ai biết tới, Năm chiếc látự tin bước lên sân khấu ca nhạc học đường Chú ve con trong công viên nước Đầm Sen; có chương trình riêng trên mản ảnh nhỏ HTV và thành năm gương mặt trang bìa của tạp chí Tài Hoa Trẻ. Là người gắn bó với trường học, với giáo dục âm nhạc nói chung, với âm nhạc phong trào, nhưng khi hỏi về giáo dục âm nhạc phổ thông, nhạc sĩ Vũ Đình Ân lại nói về đỉnh cao cần có của chương trình: “ Phải mạnh dạn đưa các chương trình giao hưởng hợp xướng vào trường học để các em có điều kiện làm quen với loại âm nhạc kinh diển này”. Để Vũ Đình Ân có thêm điều kiện thực tế thực hiện ước mơ nâng cao âm nhạc học đường năm 2013, tổng phổ 2 hợp xướng Truyện Kiều và Lục Vân Tiên của Vũ Đình Ân đã được Tổ chức Kỷ lục VN (Vietkings) chuyển tới trường World Records University (WRU - Ấn Độ) như một luận án tiến sĩ. Ngày 22.11.2014 đại diện Trường WRU đã trao bằng tiến sĩ danh dự cho nhạc sĩ của chúng ta.
Với bề dày tác phẩm và mối liên hệ khăng khí với phong trào âm nhạc, nay lại thêm tấm bằng tiến sĩ, nhạc sĩ Vũ Đình Ân tự tin mở trường âm nhạc tư thục của mình. Trường mang tên Cung đàn với các khoa đào tạo khí nhạc và thanh nhạc (98 Nguyễn Hồng Đào P.14 Q.Tân Bình TP.HCM). Dịp đầu năm 2015 trong liên hoan mừng xuân của trường, sau chương trình ca nhạc chọn lọc của 40 nhạc sinh, hiệu trưởng Vũ Đình Ân cho biết, Cung đàn đang có kế hoạc lâu dài kết hợp với Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh để có chương trình đào tạo nâng cao cho các nhạc sĩ có nhu cầu. Và trước mắt, nhân sự kiện ngày 25-10-2013 kỳ họp thứ 37 Đại hội đồng UNESCO đã chọn đại thi hào dân tộc Nguyễn Du (1765 – 1820) là nhân vật văn hóa được thế giới vinh danh, nhân kỷ niệm 250 năm, ngày sinh vào năm Ất Mùi này, Cung đàn sẵn sàng kết hợp với các trường học để dàn dựng hợp xướng Truyện Kiều.